Hỗ trợ doanh nghiệp

Chưa có doanh nghiệp điện tử nào được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ

DNVN - Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho đến nay, chưa có doanh nghiệp (DN) điện tử nào được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho DN gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ lỏng lẻo: Lỗi từ người "cầm trịch" / Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực thủy sản

Khó chồng khó
Tại Hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháp gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 27/6, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cộng đồng DN đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn...
Chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN dệt may, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dù kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành dệt may khả quan nhưng vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi hiện tại, nhiều DN đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 chưa được khống chế hẳn. Thậm chí, tại nhiều quốc gia dịch bệnh đang bùng phát trở lại.

Theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng, DN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng.
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp đẩy giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%. Thêm vào đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến DN dệt may đứng trước những khó khăn. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may…
Áp lực về giá nguyên vật liệu cũng được ông Bùi Văn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không chia sẻ. Tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế làm giá nhiên liệu tăng cao. Nhiều tuyến đường bay phải điều chỉnh, làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí. Sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong khi tiềm lực các DN hàng không Việt Nam còn hạn chế.
Đề cập những khó khăn của DN ngành da giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin: Hiện tại các DN ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho khoảng 40%. Trong khi đó, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero COVID.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ, ngoài khó khăn về gánh nặng chi phí cho DN dựa trên mức lương tối thiểu vùng bắt đầu tăng từ ngày 1/7/202, cộng đồng DN ngành này gặp khó khăn về tín dụng.
Trên thực tế, đến nay chưa có một DN điện tử nào được hưởng các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho DN khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cần kéo dài chính sách hỗ trợ
Trước thực trạng trên, bà Đỗ Thị Thuý Hương kiến nghị Nhà nước cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi DN không thể vay ngân hàng khi DN đang gặp khó khăn. Cần có các chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Ông Bùi Văn Nề đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% và xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các DN vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch cho đến khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi.
Đại diện lãnh đạo các hiệp hội thống nhất cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ, bình ổn giá để các DN không bị mất lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, các hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu. Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của DN, đồng thời tác động đến những mặt hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.
Các hiệp hội cũng đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới, qua đó mới gia tăng được năng lực cạnh tranh cho DN và nền kinh tế.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm