Hỗ trợ doanh nghiệp

Cơ hội hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp Việt - Thái

'Để xúc tiến thương mại và mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Thái Lan, trong thời gian tới, các DN cần tận dụng tối đa những điều kiện sẵn có để từng bước tăng cường các hoạt động đầu tư, thương mại và đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế...', Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam cho biết.

Từ ngày 27-30/9, tại tỉnh Udon Thani ở Đông Bắc Thái Lan diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam quốc tế mở rộng. Hội nghị do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt Nam (BAOTV) phối hợp tổ chức.

Với gần 90 gian hàng trưng bày sản phẩm, đây là sự kiện có ý nghĩa được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, với mục đích kết nối các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Thái Lan và doanh nghiệp kiều bào từ Thái Lan và các nước trên thế giới nhằm tạo cơ hội giao thương, hợp tác xúc tiến đầu tư – thương mại, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Lan - Việt Nam quốc tế mở rộng.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani (Thái Lan) Watana Puttichat cùng lãnh đạo một số Bộ ngành, địa phương của Việt Nam, Thái Lan và hơn 500 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Thái Lan và doanh nghiệp kiều bào từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt trong việc tổ chức sự kiện lần này và hy vọng trên cơ sở những kiến nghị và ý tưởng mới được ghi nhận tại Hội nghị, các chương trình hoạt động thực tiễn nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam - Thái Lan sẽ sớm được xây dựng và triển khai tại thị trường hai nước, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới về sau.

Tình hình hợp tác giữa các doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Hiện nay có 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Thái gốc Việt với nhiều cá nhân thành đạt, đóng góp to lớn cho nước sở tại cũng như tích cực đóng cho quê hương, đất nước.

Theo thông kê, Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 10 vào Việt Nam với gần 500 dự án trị giá khoảng 10 tỷ USD. Trung bình mỗi năm có khoảng 300 – 500 lượt trí thứ kiều bào về nước tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo … Các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước đầu tư, kinh doanh với tổng số hơn 3.000 dự án với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2018 lượng kiều hối gửi về nước đạt 15,9 tỷ USD tương đương 6,6% GDP cả nước.

"Hội nghị lần này sẽ tạo "dư địa" mới để các doanh nghiệp Việt ở trong và ngoài nước tận dụng tối đa những điều kiện sẵn có của mỗi nước, từng bước tăng cường triển khai các hoạt động đầu tư, thương mại và đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế", ông Cường nói.

Trái cây là mặt hàng được xuất khẩu sang Thái Lan ngày càng nhiều.Có thể bạn quan tâm

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Mỹ nhận xét những hội nghị này là chất xúc tác lớn để kết nối doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài ngoài nước khi doanh nhân trong nước có thể xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, trong khi doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài có thể đưa công nghệ về nước.

Về phía Thái Lan, ông Wattana Puttichat, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani cho hay, Udon Thani là trung tâm vùng Đông Bắc Thái Lan với khoảng 1,5 triệu người dân, có nhiều trung tâm thương mại, là thị trường nông sản lớn nhất khu vực Đông Bắc Thái Lan. Nơi đây có cộng đồng người Thái gốc Việt sinh sống, làm việc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

“Vừa qua lãnh đạo hãng hàng không Vietjet Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, lên kế hoạch mở đường bay từ tỉnh Udon Thani đến các địa điểm của Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện mở rộng thêm cánh cửa kết nối, giao lưu giữa 2 nước Việt Nam và Thái Lan”, ông Wattana Puttichat cho biết thêm.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hàng Thái và hàng Việt có sự tương đồng về văn hóa tiêu dùng và sản phẩm, vì thế các doanh nghiệp Việt cần tận dụng sự tương đồng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Doanh nghiệp Phạm Nguyên - đơn vị sản xuất bánh kẹo đã có sản phẩm hiện diện ở Thái Lan cho hay, việc xác định phân khúc thị trường rất quan trọng. Hàng Thái tràn ngập ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt không có “cửa” vào Thái Lan. Điều quan trọng là thị trường nước bạn vẫn rất cần sự đa dạng và các sản phẩm có giá tốt, chất lượng ổn định.

Một số doanh nghiệp kinh doanh hóa mỹ phẩm Việt cũng đã thâm nhập tốt thị trường này chia sẻ rằng, để đạt được thành công trong phân phối tại kênh siêu thị Thái Lan thì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe từ khung pháp lý của Chính phủ Thái Lan, cho đến các quy định khác nhau của nhà phân phối.

Là địa phương đang xúc tiến mạnh mẽ chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin các lợi thế, đặc trưng của tỉnh như phát triển kinh tế biển và kinh tế vườn, trong đó sản phẩm dừa mang tính đặc trưng, bản sắc của tỉnh Bến Tre.

“Hiện nay Thái Lan đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào tỉnh Bến Tre với 8 dự án, quy mô vốn 194 triệu USD. Những lợi thế, tiềm năng của Bến Tre sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông sản của các doanh nghiệp Thái Lan”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định.

Đức Linh

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo