Đầu tư

Việt Nam mong muốn nhà đầu tư nước ngoài đồng hành trong lĩnh vực bán dẫn

DNVN - Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, đồng thời rất cần sự đồng hành của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc).

Gỡ khó trong phát triển khu công nghiệp sinh thái / Thêm nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Việt Nam và và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc).

Tháng 9/2023 , Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt – Mỹ đã được nâng lên cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác mới. Trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ khu vực vực và toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, Đài Loan có ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới nên cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan trong lĩnh vực này là hết sức to lớn.

Trong năm 2023, Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á (SIA) đã đưa đoàn gồm 25 doanh nghiệp bán dẫn lớn nhất Đài Loan đến Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động hội thảo về ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Tại diễn đàn "Xúc tiến Đầu tư Thương mại Việt Nam - Đài Loan 2024" ngày 8/4 tại Hà Nội, ông C.Y. Huang - Chủ tịch FCC Partners, nhà sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á (SIA) cho rằng, để đón sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao, Việt Nam cần tháo gỡ những khó khăn, rào cản hiện tại. Có nhiều lý do dẫn đến hạn chế các nhà sản xuất bán dẫn, NĐT nước ngoài tiến vào Việt Nam.


Các đại biểu tham dự toạ đàm trong khuôn khổ diễn đàn "Xúc tiến Đầu tư Thương mại Việt Nam - Đài Loan 2024".

"Trong đó, trợ cấp của Chính phủ là một nguyên nhân. Các quốc gia trên thế giới đều muốn đầu tư vào chất bán dẫn và Chính phủ các nước đầu tư 50% hoặc trên 50%. Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng về vấn đề này và như vậy đặt Việt Nam vào thế bất lợi. Đối với nhà máy đầu tiên của Tập đoàn TSMC tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 50%, tức 3 tỷ USD, nhà máy thứ hai cũng trợ cấp 5 tỷ USD, nhà máy ở Đức trợ cấp 5 tỷ EURO tương đương 50%", ông Huang nói.

Theo ông Huang, vấn đề nhân lực là rào cản lớn nhất cho quyết định đầu tư. Đài Loan cũng thiếu nhân tài, Việt Nam cũng vậy. Việt Nam muốn có 50.000 kỹ sư vào năm 2030, đây là một kế hoạch rất khó hình dung.

Ngoài ra, hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam cũng là rào cản thu hút đầu tư. Khi xem xét đầu tư tại một địa phương, các nhà sản xuất nước ngoài thường xem đã có công ty lớn nào hoạt động chưa. Nếu không có công ty lớn xung quanh thì các công ty khác sẽ không đầu tư, phải có một công ty hàng đầu thì họ mới đầu tư.

Thêm vào đó, việc bảo đảm nguồn điện ổn định cũng là điều mà các nhà đầu tư Đài Loan quan tâm.

Với những thông tin này, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được các vấn đề và đang tìm biện pháp giải quyết. Trên thực tế, Việt Nam đã có hệ sinh thái, đã có các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

"Với những vấn đề mà ông Huang đề cập, chúng tôi sẽ lưu ý để khắc phục, chuẩn bị", ông Hoàng nói đồng thời đề nghị ông Huang chia sẻ với các nhà đầu tư Đài Loan trong lĩnh vực này rằng Việt Nam rất cầu thị, rất mong muốn sự đồng hành của các nhà đầu tư Đài Loan. Hai bên sẽ có những cuộc làm việc riêng để trao đổi, chi tiết hoá những nội dung cần thiết.

Về đề nghị Chính phủ trợ cấp, theo ông Hoàng đây là khó khăn với Việt Nam, đồng thời lấy dẫn chứng về sự đầu tư của các nước phát triển. Khi đầu tư vào Nhật Bản, FCC bỏ ra 8,4 tỷ USD, Chính phủ Nhật Bản bỏ ra 5,2 tỷ USD. Khi Samsung sang Mỹ đầu tư 17 tỷ USD thì Chính phủ Mỹ hỗ trợ 35%. Khi Intel sang Đức đầu tư 33 tỷ USD thì Chính phủ Đức hỗ trợ 33%, tương đương 11 tỷ USD.

Việt Nam không thể làm theo cách này. Thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt, Việt Nam sẽ hỗ trợ bằng hiện vật. Các hoạt động hỗ trợ được lồng ghép vào trong chính sách. Cụ thể, Chính phủ hỗ trợ bằng đào tạo, hạ tầng, giá điện...

Bộ KH&ĐT cũng đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quỹ hỗ trợ đầu tư để đến giữa năm, hoặc chậm nhất là tháng 7 năm nay phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

"Thông điệp của chúng tôi muốn gửi đến các bạn là Việt Nam có những điểm yếu, mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đài Loan hợp tác, hỗ trợ, khắc phục điểm yếu này để hai bên cùng thắng", ông Hoàng đề xuất.

TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) bày tỏ vui mừng khi các doanh nghiệp, NĐT Đài Loan rất quan tâm đến Việt Nam. Xu hướng sắp tới là tất cả các nước đi theo công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 nằm trong top 40 các nước có thu nhập cao.

Với thực tiễn hơn 35 năm qua và với xu thế hiện nay, Việt Nam đã đi qua khó khăn, mỗi giai đoạn phát triển Việt Nam đều đứng trước những thách thức rất lớn. Một trong những thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực để tiếp thu xu hướng công nghệ cao. Việt Nam hiểu rõ điều này nên đã, đang và sẽ cố đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

"Mỗi nước có cách làm khác nhau. Việt Nam đang là nước phát triển, không thể trợ cấp số tiền lớn ngay cho các dự án. Thay vào đó Việt Nam thực hiện bằng cơ chế, bằng chính sách. Thực tiễn hơn 35 năm qua cho thấy tất cả các nhu cầu của NĐT nước ngoài chúng tôi chưa thể đáp ứng ngay được nhưng vẫn đáp ứng đủ các điều kiện để các DN có vốn nước ngoài đầu tư, kinh doanh có lãi ở Việt Nam.

Các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam sớm nhất và hoạt động này vẫn duy trì cho đến hiện nay. Chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác của hai bên bởi doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan đều rất năng động", TS Phan Hữu Thắng nói.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm