Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần hỗ trợ lãi suất và mở rộng đối tượng giảm thuế VAT

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng và mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng từ kiểm soát sang kiến tạo / Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh kinh doanh

Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR, trong Báo cáo quý I “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục”, viện đã thận trọng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức dưới 6%. Dự báo này dựa vào việc rà soát đánh giá của các tổ chức quốc tế lớn trong 3, 4 năm trở lại đây đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo các tổ chức quốc tế, ngoại trừ năm 2022 có mức tăng đột biến so với dự báo, còn hầu hết các năm, mức tăng trưởng thực tế của Việt Nam ở mức trung bình hoặc thấp hơn dự báo trung bình tại thời điểm đầu năm. Cho tới thời điểm này, mức trung bình mà các tổ chức quốc tế dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam là 5,5- 6%.

Nhìn vào yếu tố động lực tăng trưởng, phía cung cũng như cầu, trong quý I và 4 tháng đầu năm, phía cung có sự tăng trưởng về xuất khẩu, đặc biệt là từ khu vực sản xuất công nghiệp tương đối khả quan.

Tuy nhiên, sự khả quan theo phân tích của VEPR là dựa trên nền tảng thấp của quý I năm 2023. Đồng thời, có nhiều yếu tố không ổn định. Ví dụ như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hay chỉ số sản xuất công nghiệp chưa phục hồi như thời điểm năm 2021, 2022.

Nhìn từ phía cầu, tăng trưởng tiêu dùng nội địa có xu hướng giảm, không đạt được mức trung bình trước đại dịch COVID-19. Trước đại dịch, tăng trưởng của cầu tiêu dùng khoảng 10%, nhưng giai đoạn 2023 đến nay, chỉ tăng trưởng khoảng 5%.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần các giải pháp cụ thể và thiết thực.

“Trong năm 2024, các yếu tố từ cầu nội địa cũng như đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân và khó khăn của doanh nghiệp trong nước khiến chúng tôi rất thận trọng trong việc đánh giá triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Con số tăng trưởng được chúng tôi dự báo dưới 6%. Thậm chí, con số này chỉ đạt 5,5% nếu có yếu tố bất lợi như việc các ngân hàng trung ương trên thế giới trì hoãn cắt giảm lãi suất, gia tăng căng thẳng địa chính trị hoặc thời tiết bất thường”, ông Việt nói.

Phó Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, cần các giải pháp cụ thể và thiết thực. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng và mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo đó, thúc đẩy đầu tư công là bệ đỡ cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Việt, đầu tư công cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là cần hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ kết nối địa phương vùng, tạo nền tảng cho sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải xem xét các giải pháp cụ thể như chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó là kích cầu tiêu dùng trong nước, tiếp tục cắt giảm thuế VAT 2% cho tới cuối năm 2024 và có thể mở rộng các đối tượng được cắt giảm thuế này.

Phục hồi tiêu dùng trong nước đồng nghĩa với việc không tăng thêm thuế phí trong năm. Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những lĩnh vực tiêu dùng tạo giá trị gia tăng cao, tiêu dùng xanh.

“Mặc dù dư địa về mặt tài khóa đang khá hạn hẹp những năm gần đây nhưng chúng ta có thể dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế linh hoạt để vừa duy trì được mặt bằng lãi suất phù hợp với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đang rất khó khăn, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển”, ông Việt nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm