Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tăng hiệu suất kinh doanh

DNVN - Trước bối cảnh lạm phát, xu hướng siết chặt tiền tệ gây áp lực lên các doanh nghiệp bán lẻ, nhiều ngành hàng sụt giảm doanh thu thì ứng dụng công cụ, công nghệ để giải quyết bài toán tối ưu hiệu suất là điều tất yếu quan trọng đối với mọi doanh nghiệp.

Thường xuyên bị cắt điện luân phiên, doanh nghiệp cảng biển thiệt hại lớn / Kiến nghị gỡ khó về thuế cho doanh nghiệp nội dung số

Tại workshop “Marketing Trend Transformation: Gìn giữ chất riêng, bứt phá với phương pháp tiếp thị mới” do Adsota tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, các chuyên gia nhận định năm 2023 tiếp tục chứng kiến thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, kéo theo tình hình lạm phát và suy thoái toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các xu hướng mua sắm kết hợp trực tiếp và trực tuyến D2C và AI tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược marketing của nhiều thương hiệu.

Theo Statista, tốc độ phát triển E-Commerce tại Việt Nam đạt hơn 20%, dự kiến đến năm 2025 có thể lên đến 29% với giá trị đạt 234 tỷ USD. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất lần lượt là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%).

Ông Nguyễn Đắc Tình - Co Founder của LadiPage.

Còn theo Bộ Công Thương, các kênh mua sắm phổ biến nhất được người Việt tin tưởng là các sàn thương mại điện tử (78%), mạng xã hội (42%) và ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động (47%).

Những số liệu trên cho thấy, Omni Channel (bán hàng đa kênh) và D2C (Direct to Customer - mô hình kinh doanh doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng - PV) sẽ là những xu hướng nổi bật trong năm tới, đặc biệt ở lĩnh vực F&B, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và thời trang.

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, mô hình D2C sẽ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp như cắt giảm chi phí, gia tăng khả năng phát triển sản phẩm, nâng cao tương tác và trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Đặng Phú Vinh - CEO Adsota Agency, D2C là xu hướng không thể đảo chiều và các doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh chóng để cân đối nguồn lực nhằm mang lại giá trị tối ưu cho sự phát triển của thương hiệu.

“Trước bối cảnh lạm phát, xu hướng siết chặt tiền tệ gây áp lực lên các doanh nghiệp bán lẻ, nhiều ngành hàng sụt giảm doanh thu thì ứng dụng công cụ, công nghệ để giải quyết bài toán tối ưu hiệu suất là điều tất yếu quan trọng đối với mọi doanh nghiệp”, ông Vinh nói.

Bước đầu tiên để xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, các doanh nghiệp cần trả lời những câu hỏi sau: Nội dung truyền thông nào của thương hiệu đang đem đến hiệu quả kinh doanh tốt nhất? Bài nào, nội dung nào, hình ảnh nào ở kênh quảng cáo nào (Facebook/Google/Tiktok/Zalo/PR báo chí/..) đang đem lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất?

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống theo dõi tự động một cách tinh gọn và tối ưu để không bị mất kết nối với khách hàng, liên tục cập nhật những nội dung trên các kênh tiếp thị nhằm chạm trúng nhu cầu người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đắc Tình - Co Founder của LadiPage cho rằng, đứng trước thách thức từ nền kinh tế, rủi ro trong suy thoái hướng đi giúp doanh nghiệp tăng trưởng chính là công nghệ.

Câu chuyện Martech là sự tổng hòa giữa Marketing (tiếp thị), Technology (công nghệ) và Management (quản lý). Nói đến marketing là nói tới hành trình khách hàng, còn bản chất công nghệ chính là điểm kết nối, giải pháp thực tế để tối ưu trải nghiệm kể từ khi chưa biết sản phẩm/dịch vụ cho đến biết và sử dụng sản phẩm/dịch vụ.

Trong khi đó, sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT, OpenAI không hẳn là mối đe dọa đến nguồn nhân lực mà thậm chí còn mang tới nhiều công việc tiềm năng hơn. Chính vì vậy, thay vì sợ công nghệ ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cần mạnh mẽ làm chủ, đầu tư và ứng dụng chúng một cách phù hợp.

Ông Nguyễn Đắc Tình khẳng định: “Làn sóng công nghệ trong vòng 10 năm tới sẽ dịch chuyển theo một hình thái mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo AI sẽ dẫn đầu xu hướng, tiếp sau là Web3 và AR/VR. Đặc biệt, khi mô hình D2C (Direct to customer) trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp sẽ cần chủ động xây dựng website riêng, không phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử và tập trung tối ưu website".

Không chỉ có các phần trình bày đến từ ba diễn giả, các khách mời của sự kiện đã gửi trực tiếp các câu hỏi một cách sôi nổi và thẳng thắn các vấn đề. Từ đó, những khó khăn của doanh nghiệp đã được các diễn giả chương trình giải đáp tại chỗ và tạo ra nhiều giá trị thực tế cho khách mời tham dự.

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo