Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong khó khăn chồng chất

DNVN - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là tại những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế Đông Nam bộ. Bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế, các doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn về vốn, về nguồn lao động, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất.

13 Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục họp về 7 nhóm vấn đề môi trường / Cần Thơ: Từng bước khôi phục du lịch sinh thái, thích ứng và an toàn

Thiếu lao động, thiếu nguồn vốn …

Đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, cuộc sống người lao động gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ sản xuất. Trong những tháng qua, hệ thống chính trị của đất nước, nhân dân và doanh nghiệp đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, dịch bệnh cơ bản đã kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc. Song bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế, các doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn về vốn, về nguồn lao động.

UBC TV là doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông ở TP Hồ Chí Minh nên đã gặp vô vàn khó khăn trong suốt 4 tháng TP Hồ Chí Minh bị dịch bệnh nặng nề. Ông Đào Đặng Duy Huân, Phó Tổng giám đốc UBC TV cho biết, ảnh hưởng của đợt phong tỏa vừa qua rất lớn, tác động đến nhiều mảng của toàn hệ thống của UBC TV. Từ thị trường cho đến các hoạt động sản xuất, nguồn cung ứng và đặc biệt là người lao động đều bị tác động. Trong thời gian khó khăn đó, Công ty đã kêu gọi toàn bộ nhân viên cùng chung tay chia sẻ, đồng thời đã tìm cách để nhân viên được tiêm vaccine nhanh nhất. Cùng với đó là Công ty ban hành các chính sách hỗ trợ lương trong giai đoạn phải tạm dừng toàn hệ thống và chủ động đăng ký các gói hỗ trợ người lao động của chính quyền…

Ông Đào Đặng Duy Huân chia sẻ, đến nay khi hoạt động trở lại, thì UBC TV lại có nguy cơ gặp khó khăn về nguồn lao động. Bởi vì sau dịch, đa số lao động khối sản xuất đã rời thành phố, còn khối văn phòng thì tâm lý vẫn còn e dè với dịch bởi các ca F0 ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều, một số thì chưa đủ điều kiện thẻ xanh COVID-19. Công ty dự báo sẽ khó khăn trong việc tìm công nhân trong giai đoạn này.

“Khi khôi phục lại sản xuất doanh nghiệp chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, có thể kể đến là thiếu nguồn lao động, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất. Giá cả leo thang, hoạt động logistic đang gặp nhiều khó khăn nên đội chi phí rất lớn. Trong khi đó sức tiêu thụ giảm, hoạt động giao thương còn nhiều trở ngại, rủi ro biến động lớn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty”, ông Duy Huân nói.

“Kiệt quệ” là từ mà rất nhiều doanh nghiệp nêu ra trong các diễn đàn, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương. Muốn doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì hơn lúc nào hết, Chính phủ phải nhanh chóng vào cuộc để giúp doanh nghiệp gượng dậy. Chỉ ngành ngân hàng thôi không đủ mà cần một giải pháp tổng thể rất mạnh, rất nhanh từ cấp bù lãi suất, miễn giảm những tác động vào nguồn tài chính cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi COVID-19 trên cả khía cạnh kinh tế và sức khỏe. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhiều quốc gia trong việc phát triển thị trường xuất khẩu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, công nghệ nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong số hơn 600.000 lao động di cư về quê trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, hầu hết là người lao động ở ngoài khu công nghiệp và ngoài khu vực doanh nghiệp FDI

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là sau khi nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế Đông Nam bộ.

Các doanh nghiệp ở các tỉnh trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn. Trong khi đó một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại địa phương gặp khó khăn khi nhu cầu lao động không lớn.

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Theo Bộ LĐTB&XH, có khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động, trong đó các ngành có nguy cơ thiếu hụt lao động khá lớn như: Điện tử (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%)…

Lĩnh vực điện tử có nguy cơ thiếu lao động cao nhất trong giai đoạn tới. Ảnh: Nhà máy lắp ráp điện tử của UBC TV.

Lĩnh vực điện tử có nguy cơ thiếu lao động cao nhất trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa: Nhà máy lắp ráp điện tử của UBC TV.

Cần chính sách đồng bộ để thu hút lao động trở lại các khu công nghiệp

Để cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất, đại diện UBC TV kiến nghị, Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm 2021, 2022. Giảm các khoản phí BHXH, Công đoàn cho cả doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời kéo giãn thời hạn các khoản thuế phải đóng; giảm các khoản lệ phí của hoạt động logistic như phí đầu đường, chi phí tại cảng. Đồng thời, có giải pháp để các doanh nghiệp sản xuất dễ dàng tiếp cận với các gói hỗ trợ lãi suất, có được nguồn vốn rẻ chỉ phục vụ cho việc tích trữ nguyên vật liệu, trả lương công nhân viên.

Bên cạnh đó, Chính phủ và địa phương cần có sự thống nhất trong chính sách phòng dịch giai đoạn mới và quan trọng nhất doanh nghiệp cần một lộ trình rõ ràng. Tránh việc ban hành hoặc thay đổi quy định vào phút chót, doanh nghiệp rất khó để xoay sở.

Các ý kiến khác thì cho rằng, nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều, thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài. Thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân.

 

Những nơi để đứt gãy nguồn cung lao động có thể là do doanh nghiệp "né" đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa có trách nhiệm với người lao động khi họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với những bức bối, áp lực trong thời gian dài phải giãn cách, sống khó khăn trong các khu trọ cho nên nhiều người quyết định rời thành phố.

Đặc biệt, cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn: Hướng dẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hướng dẫn vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cho tuyển và sử dụng lao động.

Người lao động được ví như oxy của doanh nghiệp. Mở cửa mà không có đủ lao động thì doanh nghiệp không thể hồi phục. Do giao thông đi lại quá khó khăn giữa các địa phương làm hạn chế rất lớn việc quay lại làm việc của người lao động. Người lao động bị sang chấn tâm lý trong đợt phong tỏa kéo dài nên rất cần tạo điều kiện để họ yên tâm quay lại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Không chỉ tuyên truyền mà còn đưa đón, tạo chỗ ở, ứng chi phí sinh hoạt những tháng đầu tiên để họ thật sự yên lòng.

Để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, cần có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: Hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, chi phí thuê nhà, chi phí y tế (xét nghiệm, cách ly); các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Cùng với đó, bố trí nguồn lực và chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

 

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm