Giải pháp nào khi chỉ có 21% SME Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Tại Lễ khởi động dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cùng với sự bùng nổ về số lượng, các SME Việt Nam đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển các cơ hội đầu tư vào các thị trường ngách. Các SME cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết ngành điện tử, dệt may, thủy sản v.v
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé nên SME Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đa số SME có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các SME cũng như giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn còn nhiều hạn chế.
"Hiện tại chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Đây cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ cũng rất trăn trở và cũng đặt ra bài toán tại Diễn đàn VRDF 2019 vừa qua: làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực chủ động tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch lên nấc thang cao với giá trị gia tăng cao hơn", người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu.
Mới chỉ khoảng 21% SME Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải thích nguyên nhân tình trạng chỉ 21% SME Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho rằng, khó khăn lớn nhất của SME Việt Nam là năng lực còn yếu, nhất là trong lĩnh vực chế tạo như công nghiệp hỗ trợ thì kém xa so với các SME trên toàn cầu.
"Yêu cầu toàn cầu khá là phổ biến, nước nào tham gia cũng thế cả, không chỉ là chất lượng mà còn là giá cả, sản phẩm làm ra không những phải tốt mà còn phải rẻ nữa. Cho nên, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức rất lớn đối với SME VN", bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp FDI rất nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, bởi hơn ai hết họ muốn tìm được nguồn cung ứng gần nhất để họ đỡ phải nhập khẩu.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp của ta còn yếu. Trong những năm trước Chính phủ chưa có những chương trình hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm nhanh khoảng cách đấy cho nên đến thời điểm hiện tại mới chỉ một số lượng doanh nghiệp có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ phải dùng nội lực và việc họ tự cố gắng trong thời gian qua. Nhưng nếu không có DN FDI thì cũng không có DN nội địa tốt như vậy trong lĩnh vực chế tạo...", bà Bình giải thích.
Đề cập tới Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (Dự án LinkSME) mà Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức khởi động vào ngày 24/9 vừa qua, bà Bình cho biết, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách liên quan đến SME, nhưng chính sách liên quan đến ngành chế tạo, hai lĩnh vực là điện tử và kim khí mà dự án này ưu tiên trong giai đoạn đầu hầu như Việt Nam chưa có chính sách nào.
"Năm ngoái, Cục Công nghiệp của Bộ Công Thương mới có chương trình đầu tiên hỗ trợ doanh nghiệp. Những chương trình này được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Hi vọng với sự hỗ trợ của Chính phủ và những cơ quan quốc tế như USAID, là cơ hội lớn cho cho SME hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, cho DN tư nhân phát triển bền vững trong thời gián", bà Bình nói.
Với Dự án LinkSME, bà Bình nhận định, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội bởi USAID hỗ trợ chuyên nghiệp và có nguồn lực lớn. Với kinh nghiệm nhiều năm của những người làm dự án, USAID đã làm tại nhiều quốc gia trong việc hỗ trợ liên kết. Do đó, với dự án này, Việt Nam sẽ có nhiều cách để tiếp cận được tốt hơn.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMC) chia sẻ với phóng viên rằng, EMC là doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cho các khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI như Honda, Yamaha, Toyota; đồng thời xuất khẩu bếp nướng ngoài trời sang châu Âu. EMC đối mặt với nhiều khó khăn khi bước vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
"Honda không chỉ đặt ra yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý sản phẩm mà còn yêu cầu chứng chỉ quốc tế như chứng chỉ về trách nhiệm xã hội,chứng chỉ quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng mà còn phải đưa ra mức giá cạnh tranh", ông Hiếu cho biết.
Đánh giá về khó khăn của các SME Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó giám đốc kinh doanh EMC cho hay, EMC phải trực tiếp cạnh tranh với những doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tìm nhà cung cấp từ Việt Nam để thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại nhưng họ không muốn mức giá cao hơn giá của các doanh nghiệp Trung Quốc mà họ đang nhập chủ yếu vì giá bán lẻ không thể thay đổi. Ngoài yêu cầu về giá, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tiến độ sản xuất khi nguồn lực nhiều khi chưa thể đáp ứng kịp các đơn hàng khi phát triển quá nóng.
Ông Hiếu lưu ý rằng với doanh nghiệp mới tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất thiết phải có các chứng chỉ. Bởi khi không có chứng chỉ, ví dụ chứng chỉ về trách nhiệm xã hội, an toàn nhà xưởng, quản lý sản xuất, thì "họ sẽ không nói chuyện tiếp với mình".
Với nhận định rằng, một phần yếu của EMC và nhiều bên khác chính là là kết nối theo hình thức B2B với các khách hàng lớn, khách hàng FDI, ông Hiếu cho biết, với các chương trình hỗ trợ như LinkSME, ngoài việc doanh nghiệp được hỗ trợ về năng lực quản lý, kỹ thuật, điều quan trọng nhất là được kết nối với đầu chuỗi cung ứng.
Dự án sẽ góp phần tích cực giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực SME Việt Nam đang đối diện, tăng cường năng lực liên kết cho SME trong các ngành được lựa chọn, đồng thời tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều SME tự tin và chủ động vươn ra các thị trường quốc tế. Tuy vậy, về sâu xa doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực mới có thể tham gia liên kết...
Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, dự án USAID LinkSME sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho DNNVV và nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV.
Dự án sẽ kết nối những DNNVV với những DN hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo