Hiệp hội doanh nghiệp

Hướng đi mới hỗ trợ các doanh nghiệp khu công nghiệp 'tăng tốc'

DNVN - Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ, việc kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính khu công nghiệp, tạo lập một sân chơi chung cho cho các doanh nghiệp khu công nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đầu tư, phát triển KCN, khu kinh tế trên cả nước là cần thiết.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình: Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối với chính quyền, doanh nghiệp / Cần Thơ: 40 doanh nghiệp hội tụ, bàn giải pháp kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đã phát huy được các thế mạnh và trở thành trọng điểm thu hút một lượng lớn vốn đầu tư và trong nước nước ngoài, bổ sung nguồn lực quan trọng cho tổng vốn đầu tư phát triển của quốc gia. Hiện, trên cả nước đã có 407 KCN và hơn 1.000 cụm công nghiệp.

Các KCN đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của các nước, và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Sự phát triển của các KCN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển hệ sinh thái đầu tư xanh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết một số lượng lớn việc làm. Dòng vốn đầu tư thực hiện trong KCN ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN đang gặp một số vấn đề vướng mắc về khung pháp lý, thể chế, chính sách, nhất là các vấn đề về tài chính.

Tại đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra ngày 25/3 tại Hà Nội, TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch VIPFA chia sẻ, những khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được tháo gỡ để các KCN có thể tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này.

TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch VIPFA Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA).

"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên toàn cầu, Hiệp Hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) đã quyết định thành lập VIPFA nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính KCN trên cả nước, tạo lập một sân chơi chung cho các doanh nghiệp KCN trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau đầu tư, phát triển KCN, phát triển kinh doanh tại các KCN, khu kinh tế (KKT)", Chủ tịch VIPFA nói.

VIPFA cam kết đồng hành cũng các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển các KCN, KKT của Việt Nam theo đúng định hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

"Liên chi hội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức khó khăn trong bối cảnh hệ thống luật pháp còn phức tạp, chồng chéo, hay thay đổi và phải sửa đổi", TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Ngoài công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức này còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế của đơn vị, các doanh nghiệp thành viên với quốc tế.

TS Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA cho rằng, việc lập ra một tổ chức đã khó khăn, nhưng duy trì và phát huy sức mạnh của tổ chức đó còn khó khăn hơn nhiều.

Để VIPFA phát huy hiệu quả trong tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển các KCN theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững, các hội viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia tích cực và có hiệu quả cao nhất vào các nội dung, chương trình đã đề ra.

Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua Quy chế hoạt động Liên chi hội, Quy chế Quản lý Tài chính Liên chi hội, Báo cáo Phương hướng – nhiệm vụ - giải pháp nhiệm kỳ 2024-2029. Đồng thời bầu ra Ban chấp hành Liên chi hội gồm 51 ủy viên do TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài làm Chủ tịch.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm