Hỗ trợ doanh nghiệp

Lo biến động lao động sau Tết

Tình hình chung của không ít doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là tỷ lệ biến động lao động khá cao. Doanh nghiệp cũng cần tự vấn trước những nguyên nhân từ sự biến động này.

Cải thiện năng suất lao động cho doanh nghiệp Việt Nam / Gia nhập EVFTA: Tìm lời giải cho vấn đề tồn đọng của lao động Việt Nam

Anh Lê Minh Duy, 23 tuổi, quê Lâm Đồng, đang làm nhân viên tại một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng ở Tp.HCM, cho biết vào mùng 4 Tết phải khăn gói rời quê lên thành phố để đi làm ngay ngày hôm sau theo lịch quy định của công ty; và anh vừa quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để chuyển sang một công việc mới có thu nhập tốt hơn, thời gian thoải mái hơn.

Sau Tết, nhiều DN lo thiếu lao động trước tình hình dịch virus Corona
Sau Tết, nhiều DN lo thiếu lao động trước tình hình dịch virus Corona

Tại anh hay tại ả?

Nói về lý do nhảy việc, anh Duy cho rằng do mức thưởng Tết quá thấp, lương hàng tháng không cao, thời gian làm việc cả ngày lẫn đêm, lại không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Không chỉ có anh, mà nhiều người cùng chỗ làm cũng chia sẻ là sẽ bỏ việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Còn ở một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu và phân phối phụ tùng ô tô, máy thuỷ ở quận Tân Phú (Tp.HCM), chị Nguyễn Thu Tuyết, nhân viên xuất nhập khẩu của công ty, than phiền sau Tết một mình chị phải gánh vác việc của 3 người khác do những người này nghỉ việc từ ngày cận Tết do lương thưởng thấp, không chịu được áp lực từ cách quản lý kiểu gia đình của DN.

Qua thăm dò của Thời báo Kinh Doanh với một số người lao động ở tỉnh thành phía Nam, đượcbiết điều mà họ quan tâm sau Tết là có công việc ổn định tại những DN quan tâm đến đời sống công nhân với mức lương khá, mức thưởng Tết phù hợp, đảm bảo được các chế độ về bảo hiểm xã hội. Với những trường hợp bỏ việc là do họ không hài lòng với cách đối đãi từ phía DN.

 

Chị Thu, một công nhân đang làm việc ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (Tp.HCM), cho biết phía công ty đang đăng tuyển lao động do sau Tết nhiều công nhân còn ở quê chưa trở lại với công việc, có nhiều trường hợp còn thông báo nghỉ luôn nên công ty không đủ người làm.

“Năm nào tui cũng thấy sau những nghỉ Tết là công ty lại thiếu nhân công lao động, nên năm nay cũng vậy, tiếp tục thấy công ty đăng thông báo tuyển rầm rộ”, chị Thu nói.

Chưa kể, tình hình dịch virus Corona cũng là một phần nguyên nhân khiến cho nhiều người lao động còn ở quê và chưa vội đi làm. Không những vậy, sau khi học sinh Tp.HCM được nghỉ học thêm một tuần (từ 3 - 9/2) để phòng ngừa dịch cúm do virus Corona và ngày 6/2 lãnh đạo UBND Tp.HCM chấp thuận cho học sinh tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần để phòng dịch bệnh, nhiều công nhân ở Tp.HCM đã xin nghỉ phép ở nhà trông con do không có người trông coi.

Thực tế cho thấy tâm lý người người lao động phổ thông ở Việt Nam thường hay nghỉ Tết qua Rằm tháng Giêng. Để nối lại dây chuyền sản xuất, đáp ứng được đơn hàng, các DN đã đưa ra nhiều ưu đãi để tuyển dụng lao động, vấn đề này khiến cho hàng loạt DN sản xuất tại các khu công nghiệp lao đao sau kỳ nghỉ Tết.

Điều kiện “cần” và “đủ”

 

Theo chia sẻ của ông Lê Quang Vũ, Phó tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food, tình hình chung của các DN sản xuất ở Việt Nam là sau Tết Nguyên đán thì tỷ lệ biến động lao động khá cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn, bởi việc biến động làm cho việc sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng.

“Rồi DN cũng phải tuyển dụng người mới vào và tốn thời gian để đào tạo cho họ có tay nghề. Cho nên về phía công ty của chúng tôi những năm gần đây, tình hình đó đã được cải thiện nhờ vào những chính sách nhân sự quan tâm đến người lao động. Vì vậy, tỷ lệ biến động lao động sau Tết của chúng tôi ở mức rất thấp, dưới 10%/năm”, ông Vũ nói.

Thời điểm sau Tết là lúc nhiều DN tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cho năm 2020. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM cho biết sau Tết Nguyên đán 2020 ở thành phố cần khoảng 30.000 chỗ làm việc

Trong đó, trình độ đại học chiếm 14,06%, cao đẳng 14,02%, trung cấp 35,23%, sơ cấp 19,87% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 16,82%. Nhu cầu lao động tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại… Nguyên nhân thiếu hụt lao động là do một số không trở lại làm việc, các DN mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động đầu năm tập trung nhiều ở mức lương từ 5 - 8 triệu đồng (chiếm 51,4% tổng nhu cầu), từ 8 - 15 triệu đồng chiếm 28,56% nhu cầu, trên 15 triệu đồng chiếm 7,02% nhu cầu và mức lương dưới 5 triệu đồng chiếm 13,02%.

 

Còn trong năm 2020, nhu cầu nhân lực tại Tp.HCM được dự báo là cần khoảng 323.000 chỗ làm việc, trong đó có 135.000 chỗ làm việc mới, tập trung ở các ngành: kinh doanh - thương mại, dịch vụ - phục vụ, vận tải - kho bãi, dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng…

Trong vấn đề giữ chân lao động sau Tết, giám đốc nhân sự của một DN có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Bình Dương cho rằng vấn đề tiền lương, thu nhập cao chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” để giữ chân lao động. Vấn đề là các DN cần tạo dựng văn hóa DN giúp người lao động gắn bó, làm sao biến DN thành ngôi nhà thứ hai của người lao động để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm