Hỗ trợ doanh nghiệp

Lo thiếu doanh nghiệp cỡ vừa cung ứng cho khối ngoại

Thiếu hụt doanh nghiệp nội địa cỡ vừa để cung ứng sản phẩm cho khối ngoại vẫn là nỗi lo lớn khi mà việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao được kỳ vọng đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2021.

VINASME kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DNNVV / Ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp đăng ký sản phẩm phái sinh tại HDBank

Để thu hút dòng đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam trong năm 2021, Ts. John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, có lưu ý là cần chú trọng vấn đề thiếu hụt doanh nghiệp (DN) cỡ vừa.

Quy mô nhỏ, khó giành hợp đồng

Theo Ts. Walsh, khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư, các nhà đầu tư muốn tìm nơi có doanh nghiệp (DN) địa phương đáng tin cậy, đồng thời có khả năng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tại chỗ để họ có thể yên tâm tham gia chuỗi cung ứng.

HINH-2478-1610445009.jpg

Các DN Việt cần nâng cấp để giành được hợp đồng cung ứng chocác nhà đầu tư nước ngoài.

“Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn thiếu các công ty như vậy. Do đó, các DN nước ngoài đến Việt Nam phải đầu tư thêm để có nguồn cung và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của họ”, ông Walsh giải thích.

Theo đánh giá, với số lượng khoảng 21.000 DN (số liệu vào năm 2019) thì tỷ trọng DN quy mô vừa đã tăng từ 2,5% lên 3,5% trong tổng số DN ở Việt Nam, nhưng xem ra vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình đạt khoảng 5-10%).

Đó là lý do mà nhiều DN Việt vốn có quy mô nhỏ muốn tham gia vào chuỗi cung ứng ngoại nhưng lại khó giành được hợp đồng. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn khi vào Việt Nam thay vì mất nhiều thời gian để tìm kiếm đối tác nội địa có quy mô vừa cho chuỗi cung ứng thì họ sẽ có ngay các DN cỡ vừa trong khu vực, chẳng hạn như từ Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Đơn cử, với nhà máy chuyên sản xuất bao bì giấy đặt tại Bình Dương có công suất đến 12 tỷ bao bì hộp giấy/năm, khi được hỏi liệu có nhà cung cấp địa phương nào đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng cho nhà máy, ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam (100% vốn Thuỵ Điển) cho rằng điều này là rất khó.

Lý do, theo ông Jeffrey, quy trình, tiêu chuẩn thu mua nguồn nguyên liệu đầu vào đối với một nhà máy có công nghệ mới như Tetra Pak là khá nghiêm ngặt để đầu ra sản phẩm có chất lượng cao. Trong khi đó, các nhà cung cấp địa phương đa số có quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng những yêu cầu của nhà máy.

 

Trước thực trạng là các nhà đầu tư ngoại chưa thấy được sự lớn mạnh từ các nhà cung ứng nội địa, theo Ts. Walsh, Việt Nam cần tìm cách khuyến khích các DN nhỏ mở rộng quy mô để có thể giành được hợp đồng với những DN đầu tư từ nước ngoài.

Ts. Walsh bổ sung rằng, các DN Việt cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng chiến lược Thái Lan +1 hoặc Trung Quốc +1. Theo đó, nhà đầu tư có thể thực hiện các khâu sản xuất hoặc lắp ráp phức tạp hơn ở quốc gia chính và sau đó thực hiện các hoạt động đơn giản hơn ở quốc gia khác.

Nâng cấp được không ?

Ở góc độ một DN đầu chuỗi cung ứng, ông JeffNessom, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, cho rằng các DN Việt nên thiết lập được năng lực, quy mô DN của mình để hiện thực hóa cơ hội hợp tác với các DN đầu chuỗi và tiếp cận mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Rõ ràng là các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) cần có nguồn cung cấp đầu vào từ các nhà cung cấp có khả năng cạnh tranh tương đương. Việc thiếu các DN cỡ vừa được cho là sẽ làm giảm đi cơ hội kết nối chuỗi cung ứng với khối ngoại.

 

Thực tế này làm cho nhiều mặt hàng xuất khẩu tuy có giá trị cao của Việt Nam nhưng lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước thấp, do đó con số đóng góp vào nền kinh tế của các công ty FDI không cao như nhìn bề ngoài.

Điều đó cũng phản ánh sự thâm nhập hạn chế của các DN nội địa vì không có đủ số DN cỡ vừa để trở thành nhà cung cấp lý tưởng cho các công ty FDI sản xuất hàng xuất khẩu.

Để phát triển DN cỡ vừa, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt nên chú trọng đến I&D (cải thiện và phát triển) so với R&D truyền thống (nghiên cứu và phát triển). Hơn nữa, điều đòi hỏi trước tiên là chính bản thân DN Việt phải tự nâng cấp mình, kèm với đó Nhà nước sẽ phải có chính sách hỗ trợ DN nâng cấp.

Thực ra, số lượng các DN từ nhỏ vươn lên quy mô vừa ở Việt Nam hiện tại vẫn còn rất thấp. Để nâng cấp lên DN cỡ vừa là cả vấn đề với họ.

Để vươn lên DN cỡ vừa, giới chuyên gia cho rằng các nhà cung ứng Việt cần tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, kinh nghiệm kinh doanh... Đây chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DN Việt để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký của khu vực trong việc tham gia chuỗi cung ứng ngoại.

 

Tuy nhiên, hiện tại thách thức lớn cho việc nâng cấp là các DN đang phải đối mặt những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chiến lược làm lớn DN của mình. Nhất là khi họ buộc phải cân nhắc kỹ các khoản đầu tư công nghệ vốn đòi hỏi nhiều về nguồn lực tài chính.

Trong vấn đề về nguồn vốn cho DN tham gia chuỗi cung ứng ngoại được nâng cấp, ông Đỗ Quốc Thái, đại diện cho một ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM, nhấn mạnh rằng nếu như những DN nội địa nào được một DN đầu chuỗi cung ứng ngoại lựa chọn để tham gia vào chuỗi thì xác suất để ngân hàng có những hỗ trợ, ưu đãi lãi suất về vốn vay rất cao, và thủ tục, thời gian xét duyệt vốn vay sẽ được rút ngắn hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm