Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được triển khai

DNVN - Dù các hoạt động hỗ trợ về công nghệ, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị mới được ngân sách Trung ương (NSTW) bố trí kinh phí hỗ trợ từ năm 2021 nhưng đến nay, việc triển khai các chính sách hỗ trợ này chưa thực hiện được trong thực tế.

“Loay hoay” xác định nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp gặp khó / Đổi mới sáng tạo mở: Cần sự kiên định của lãnh đạo doanh nghiệp

Tác động của chính sách hỗ trợ chưa như kỳ vọng
Liên quan tới đề nghị có cơ chế tạo môi trường để phát triển lực lượng DNNVV, trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV, đặc biệt sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành và có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018).
Tuy nhiên, tiến độ và tác động của các chính sách hỗ trợ chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai luật còn chậm.
Cụ thể, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội ban hành năm 2017 và có hiệu lực từ tháng 1/2018, tuy nhiên 5 nghị định và 13 thông tư hướng dẫn luật đến năm 2019 và 2020 mới được ban hành. Hầu hết các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV của các địa phương cũng mới được xây dựng và ban hành trong năm 2020, do đó chưa có cơ sở để bố trí kinh phí hỗ trợ DNNVV theo luật.
Một số chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn thi hành nhưng chưa được ban hành hoặc gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.

Theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV còn chậm.
Cụ thể, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường. Năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này chưa được áp dụng và DNNVV chưa được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định của luật.
Chính sách cấp bù lãi suất, ưu đãi cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung do chưa có quy định cụ thể nên việc triển khai còn lúng túng. Mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại cấp địa phương đã được kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP nhưng nhìn chung kết quả đạt được còn rất hạn chế..
Đặc biệt, nguồn lực hỗ trợ DNNVV còn hạn chế. Trung bình giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương (NSTW) mỗi năm chỉ bố trí được khoảng 30-40 tỷ đồng và mới tập trung triển khai hoạt động hỗ trợ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV. Từ năm 2021, các nội dung hỗ trợ khác gồm công nghệ, tư vấn, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị) mới được NSTW bố trí kinh phí hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau khi NSTW bố trí được kinh phí cho các hoạt động khác, đến nay, việc triển khai các chính sách hỗ trợ này chưa thực hiện được trong thực tế do cơ chế hướng dẫn tài chính sử dụng NSNN hỗ trợ DNNVV chưa được hoàn thiện, ban hành.
Ở cấp địa phương, ngoài các tỉnh tự cân đối được ngân sách có quan tâm bố trí kinh phí để triển khai một số hoạt động hỗ trợ DNNVV, có đến 70% các địa phương báo cáo khó khăn bố trí nguồn lực để hỗ trợ DNNVV.
Định mức hỗ trợ tuy đã được sửa đổi theo hướng dần tiệm cận với thị trường nhưng quy trình thủ tục, quản lý ngân sách hỗ trợ phức tạp khiến cho DNNVV ngại đăng ký tham gia thụ hưởng các chính sách liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV mất nhiều thời gian tổ chức, triển khai, lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý ngân sách và đấu thầu, dẫn tới chính sách hỗ trợ được triển khai chưa kịp thời với nhu cầu của doanh nghiệp.
Khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ DNNVV
Để tạo môi trường thuận lợi để phát triển lực lượng DNNVV ngày một lớn mạnh, Bộ KH&ĐT cho rằng, các bộ, ngành, các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại luật. Tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV. Ưu tiên đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp và đào tạo trực tuyến qua hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning.
Tăng cường hỗ trợ tư vấn cho các DNNVV; tập trung vào các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững.
Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tập trung vào một số ngành lợi thế như: công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; dệt may; da giầy; sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ DNNVV. Tiếp tục nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp...
Bản thân các DNNVV cần tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, Nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp. Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm