Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều “ông lớn” chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu

DNVN - Nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn lớn trên thế giới đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững, lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất chinh phục “gu” người Nhật / Nhiều hãng công nghiệp Nhật coi đối tác Việt Nam là "mắt xích" trong chuỗi cung ứng

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Cùng với những thay đổi sau đại dịch COVID-19 và bất ổn địa chính trị - kinh tế thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn lớn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại buổi tọa đàm, phỏng vấn giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các kênh phân phối, thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Christian Merizalde Aguilar - Phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Foods - cho biết, Grupo Merica Foods đang dịch chuyển kinh doanh từ Thái Lan sang Việt Nam và có chiến lược mở rộng thu mua các sản phẩm thực phẩm sang thị trường Việt Nam.

Năm 2022, công ty đã nhập khẩu 70 container hàng hóa các loại của Việt Nam. Năm 2023 doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng số lượng nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.


Hàng hoá Việt Nam được các kênh phân phối lớn đánh giá có chất lượng ngày càng cải thiện và có tính cạnh tranh cao.

"Cụ thể, công ty sẽ thu mua 110 container hàng hóa của Việt Nam. Hiện tại chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp khác nhau tại Việt Nam và mua các sản phẩm như nước dừa, nước trái cây, các sản phẩm từ cây nha đam", ông Christian Merizalde Aguilar chia sẻ.

Cũng theo đại diện Grupo Merica Foods, chất lượng hàng hoá Việt Nam ngày càng cải thiện và có tính cạnh tranh cao. Mức giá hiện tại của Việt Nam khá cạnh tranh so với sản phẩm của Thái Lan. Do đó, tới đây Grupo Merica Foods mong muốn làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất của Việt Nam để cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế", ông Christian Merizalde Aguilar cho hay.

Ông Christian Merizalde Aguilar cho biết thêm, khi công ty lấy hàng hóa từ ViệtNam về, lúc đầu mọi người không biết nhiều về sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây xu hướng đã có sự thay đổi, mọi người biết nhiều hơn và nhận thức tốt hơn.

Được biết, Grupo Merica Foods mua hàng trực tiếp từ Việt Nam và đưa hàng hóa vào các nhà kho tại Madrid. Từ Madrid, công ty sẽ tái xuất khẩu những mặt hàng này đến các khu vực khác ở châu Âu.

Là đơn vị đã có một số hợp tác kinh doanh thành công với doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Takko (Đức) hiện cũng đang có mong muốn mở rộng kinh doanh,

Ông Radek Sorcik, giám đốc cấp cao mua hàng, quản lý chất lượng và môi trường, xã hội và quản trị của Công ty Takko (Đức) cho biết doanh nghiệp đãcó một số hợp tác kinh doanh thành công với doanh nghiệp Việt Nam. Công ty đang dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc về Việt Nam nhằm tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp, kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Điều quan trọng là nhà cung cấp phải tuân thủ và tìm hiểu kỹ các quy tắc của EU trước khi bắt đầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam có thể giữ mức giá cạnh tranh và ổn định thì khả năng kết nối để hợp tác rất cao.

Trong khi đó, với Walmart - công ty bán lẻ hàng đầu tại Mỹ và thế giới, ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Walmart cho biết, Việt Nam là một trong thị trường mua hàng chính của Walmart ở Đông Nam Á, Đông Á. Các sản phẩm thu mua cũng rất đa dạng và Walmart không chỉ tập trung thu mua của doanh nghiệp FDI mà còn tập trung cả doanh nghiệp thuần Việt.

Về chiến lược thu mua đối với thị trường Việt Nam, từ lâu Walmart đã xác định Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm cung ứng sản phẩm, dịch vụ chính của thị trường Đông Nam Á và cả châu Á. Đến năm 2027, thị phần cung ứng của Walmart tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, không chỉ từ các mặt hàng chủ lực như giày dép, quần áo, hay các sản phẩm điện tử mà còn tất cả các sản phẩm khác có nguồn gốc từ Việt Nam.

Từ ngày 13-15/9 tới đây tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023).

Sự kiện có sự tham gia của 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu.

Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong suốt ba ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2023, 10 cuộc hội thảo chuyên đề và các diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớnnnhư Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…



Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm