Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều tiềm năng đầu tư vào thị trường Lào

Ngày càng có nhiều DN Việt tìm hướng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh sang thị trường Lào, cũng như mở rộng, xây dựng nhà máy sản xuất tại đây.

Vốn từ Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 50% FDI vào Việt Nam trong 8 tháng / 72.370 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 8 tháng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt – Lào trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 522,2 triệu, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (455,8 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Lào chủ yếu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải, xi măng, sản phẩm từ chất dẻo, dây và cáp điện, rau củ quả... Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Lào chủ yếu là phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản.

Thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam và Lào đã trao đổi được một khối lượng lớn các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng công nghiệp và khoáng sản. Một số chuyên gia cho rằng, các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho nền sản xuất của hai nước.

Thời gian tới, giao thương thương mại giữa DN 2 nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh

Ông Somxay Sanamoune, Tổng lãnh sự Lào tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Lào đang bỏ dần các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, giảm thời gian thành lập doanh nghiệp (DN), giảm thuế và tăng cường cơ sở hạ tầng... Hiện nay, DN có nhiều thuận lợi do Chính phủ khuyến khích đầu tư và xuất khẩu sang Lào. Trong những năm qua, nhiều DN đã sản xuất, kinh doanh tại Lào nên việc kết nối với các DN tại Lào tương đối dễ dàng. Theo nghị định sửa đổi về các đặc khu kinh tế và khu kinh tế chuyên biệt (SEZs) được Chính phủ Lào ban hành mới đây, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được hưởng một loạt các ưu đãi về hoãn thuế.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 24 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài. Một số DN đầu tư sản xuất trong lĩnh vực xây dựng tại quốc gia này cho biết, ngày càng có nhiều DN Việt tìm hướng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh sang thị trường Lào, cũng như mở rộng, xây dựng nhà máy sản xuất tại đây. Sở dĩ có được kết quả này là do Chính phủ Lào đã cải thiện rất tốt các thủ tục cấp chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN của Việt Nam.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với các địa phương của Lào. Bên cạnh các chương trình hợp tác thường xuyên, các địa phương của Lào và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt các sự kiện ngoại giao, kinh tế nhằm hỗ trợ DN hai nước khai thác thế mạnh của nhau. Qua đó hàng trăm hợp đồng kinh tế, hàng chục bản ghi nhớ hợp tác đã được DN của hai nước ký kết, mở ra mối quan hệ làm ăn tốt đẹp sắp tới.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, các DN Việt nên quan tâm và hiểu rõ hơn về thị trường Lào với nhiều tiềm năng. Qua đây tìm kiếm giải pháp tốt nhất để DN ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia vào các kênh phân phối địa phương và gia tăng cơ hội giao thương với DN Lào, góp phần phát triển mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh của Lào nói riêng.

Từ thực tế hiện nay, ông Somxay Sanamoune cũng khẳng định Chính phủ Lào rất ủng hộ và ưu tiên các DN Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào. Giữa hai nước Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, do đó hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa hai nước rất thuận lợi. Đất nước Lào có nhiều tiềm năng mà các DN Việt Nam có thể hợp tác đầu tư như thủy điện, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng cây công nghiệp, chế biến nông lâm sản... Vì vậy dự kiến thời gian tới, giao thương thương mại giữa DN 2 nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh và đạt được nhiều thành quả hơn.

 

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo