Hỗ trợ doanh nghiệp

Nông nghiệp Việt vẫn hấp dẫn vốn ngoại

Các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào ngành nông nghiệp thông qua các công ty và dự án tại Việt Nam.

Buffett sắp đầu tư hàng trăm triệu USD vào công ty này của Ấn Độ / Vietnam Venture muốn mua 5 triệu cp KDH trước thềm chia cổ tức 10%

Cuối tháng 8 này, CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group – HOSE: PAN) đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ 11% cổ phần cho Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) với giá không thấp hơn 55.000 đồng/cp. Nếu kế hoạch này được thực hiện thành công trong quý III và IV/2018, doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại của Nhật sẽ góp không dưới 35 triệu USD vào tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, trở thành cổ đông lớn nước ngoài tiếp theo của The PAN Group. Trước đó, quỹ Tael Two Partners và GIC Private Ltd của Singapore đang lần lượt nắm 21% và 4,7% vốn của PAN, trong khi quỹ Mutual Fund Elite đến từ Phần Lan cũng sở hữu gần 8,75% vốn. Doanh nghiệp này cũng có vốn gần 5% của IFC – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

The PAN Group không phải trường hợp doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ dòng vốn ngoại chảy vào ngành nông nghiệp – thực phẩm, cho dù thị trường đã gặp phải đôi chút nghi ngại sau vụ “chia tay” khá ồn ào giữa Ba Huân và VinaCapital gần đây. Trên thực tế, các doanh nghiệp hay dự án tốt trong ngành vẫn là những cái tên được quan tâm khi dòng vốn ngoại “lùng sục” địa chỉ đầu tư.

Chẳng hạn ngoài khoản đầu tư bất thành trị giá 32,5 triệu USD vào Ba Huân, bản thân VinaCapital vẫn đang rót hơn 21 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam qua các đối tác. Bên cạnh đó, quỹ này cũng góp vốn vào nhiều công ty trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống, sở hữu nguồn cung nguyên liệu nông sản khép kín như Vinamilk, Đường Quảng Ngãi. Hai khoản đầu tư này chiếm lần lượt 14,5% và 2,8% tài sản ròng của quỹ, tổng giá trị 173 triệu USD.

Một trường hợp khác là Tập đoàn Lộc Trời (HOSE: LTG) sau khi chia tay Vina Capital cách đây 4 năm đã nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới là quỹ SCPE (thuộc Ngân hàng Standard Chartered) thay thế, bên cạnh những đối tác cũ là Mekong Capital và DWS VietNam. Vừa qua, quỹ Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund cũng đã trở thành cổ đông lớn, sở hữu 5,21% vốn của doanh nghiệp này, sau khi Mekong Capital thoái hơn 4 triệu cổ phiếu.

Cùng với các hoạt động đầu tư gián tiếp kể trên, hồi đầu năm nay, Tập đoàn Lotte cũng vừa công bố kế hoạch trồng cây ca cao xuất khẩu sang Hàn Quốc và đầu tư xây dựng nhà máy EP tại tỉnh Đồng Nai để cung ứng cho Công ty Samsung Việt Nam. Tập đoàn CJ, một ông lớn khác của 'xứ kim chi' cũng muốn xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bằng việc hợp tác với một số doanh nghiệp Việt Nam. Theo thông tin trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch CJ trong tháng 7, tập đoàn này cũng đang đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận.

Từ năm 2014, Tập đoàn phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. KRC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc và các quỹ đa phương để cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Đồng Tháp.

Bên cạnh Hàn Quốc, nhiều tổ chức nước khác cũng tham gia vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đầu năm trước, Công ty Sunrise Orchards (Mỹ) đã ký cam kết với Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ về việc đầu tư 1 tỷ USD để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam trong 50 năm.

Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus, Hà Lan) cũng hợp tác với Công ty Hùng Nhơn (Bình Phước) với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 50 triệu USD, để xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, khép kín từ giai đoạn con giống cho đến thành phẩm nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu 6 nhóm nông sản an toàn và có truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê của cơ quan quản lý, dòng vốn nước ngoài trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) vào nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn. 7 tháng đầu năm, giá trị FDI đăng ký mới trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mới chiếm hơn 1%; trong khi FII thuộc nhóm 4%. Tuy vậy, kết quả đặt trong tương quan với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến lĩnh vực là rất lớn cho thấy dư địa mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp nông nghiệp – thực phẩm của Việt Nam là hết sức rộng rãi. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào… Nông dân Việt cũng có kỹ năng, cần cù chịu khó và giá ngày công lao động tương đối thấp.

Giai đoạn 1986-2017, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng trung bình 3,5%/năm. Năng suất lúa gạo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha. Năng suất cà phê đạt 2,6 tấn nhân xô/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia. Năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, có ao nuôi đạt 300-400 tấn/ha, cao nhất thế giới. Năng suất tôm sú đạt 0,45 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 3.91 tấn/ha, cao hơn so với Ấn Độ (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,5 tấn/ha) và Thái Lan (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,6 tấn/ha).

Trong tương lai, kinh tế phát triển cùng với sự gia tăng dân số và đô thị hóa sẽ làm nâng cao nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản. Từ nay đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại quốc tế sẽ giúp Việt Nam phát huy được lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng khối lượng xuất khẩu. Nông nghiệp Việt Nam theo đó còn nhiều dư địa để phát triển, thu hút đầu tư, nhất là với các dự án sản xuất sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao… Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp có thêm nguồn lực mới để phát triển, cả về vốn, thị trường, kinh nghiệm quản trị… và sự tham gia của nhà đầu tư ngoại được xem là hướng đi khả quan.

Như với kế hoạch hợp tác cùng Sojitz nếu được triển khai, The PAN Group dự kiến sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, và thực hiện các dự án M&A trong nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm đóng gói, đồ uống… Định hướng này sẽ giúp PAN tiếp tục mở rộng quy mô so với tổng tài sản 250 triệu USD (tính đến hết năm 2017), khẳng định vị thế doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm với chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F Farm – Food – Family.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm