Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động kết nối kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản

DNVN – Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cần phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt và có nhiều hoạt động thiết thực để kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước sở tại thành một khối vững chắc.

Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương / Bà Tống Kim Giao làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản

Chiều ngày 4/4, tại TP Yokohama (Nhật Bản), bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA).

bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA).  Báo cáo với đoàn công tác, bà Tống Thị Kim Giao - Chủ tịch VJBA

Bà Tống Thị Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (bên phải) tặng hoa chúc mừng bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Tống Thị Kim Giao - Chủ tịch VJBA cho biết, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, VJBA đã và đang tạo ra các cơ hội hợp tác, đầu tư và kinh doanh hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Bà Tống Thị Kim Giao cũng chia sẻ, với quan điểm cho đi là sẽ được nhận lại, Ban chấp hành VJBA chủ trương tạo cơ hội để các thành viên có chung lĩnh vực kinh doanh chủ động kết nối, tìm hiểu và xây dựng các câu lạc bộ ngành nghề, từ đó cộng tác, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Hiện hiệp hội đã thành lập 8 nhóm câu lạc bộ, bao gồm: nhà hàng và thực phẩm; bất động sản, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A); du lịch, tour, vé máy bay; nhân sự; xuất nhập khẩu; thương mại, hàng hóa; thể thao văn hóa doanh nhân và ươm mầm doanh nhân.

VJBA muốn xây dựng các câu lạc bộ chất lượng, thông qua đó tạo điều kiện để các hội viên cùng chia sẻ tệp khách hàng tiềm năng, cộng tác, phối hợp trong hoạt động kinh doanh, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của VJBA trong việc kết nối doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản với các doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Hiệp hội VJBA đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đóng góp cho kinh tế xã hội đất nước và đặc biệt là đóng góp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Phó chủ tịch VJBA Phạm Thị Nhung trao tặng Kỷ niệm chương của VJBA cho Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng

Phó chủ tịch VJBA Phạm Thị Nhung trao tặng Kỷ niệm chương của VJBA cho Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng.

Chúc mừng VJBA vừa kỷ niệm 10 năm thành lập và hoạt động, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị, VJBA cần tiếp tục tham gia vào cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Nhật Bản, trong khu vực mà còn trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Minh - Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản có tiềm năng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương và xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia.

Bên cạnh đó, không chỉ giữ vai trò hiệu quả trong hoạt động kết nối kinh doanh, các doanh nghiệp VJBA luôn có các hoạt động tích cực, chủ động để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng, điển hình là việc thực hiện chương trình cứ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, động đất tại Nhật Bản vừa qua.

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, các hội viên VJBA cho rằng, với sự am hiểu thị trường và văn hóa kinh doanh của cả hai đất nước, doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật có thể đảm nhận vai trò là cầu nối Nhật - Việt, giúp các doanh nghiệp trong nước đi nhanh và xa hơn, không chỉ tiếp cận thị trường Nhật Bản mà còn cả thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế kinh doanh đã chỉ ra, rất nhiều rào cản đang xảy ra trong quá trình hợp tác đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Dẫn chứng về một vấn đề trong số đó, ông Kouno Youichi - Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần SAKURA DREAM (doanh nghiệp hội viên VJBA hoạt động trong lĩnh vực thương mại hàng hóa) cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất nhiều kinh phí cho quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải trở ngại lớn do tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng chưa được công bố nhưng vẫn được phân phối với giá rẻ và tràn lan trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có sự định hướng, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam, nhằm thực hiện các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Kiều Oanh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Japan Apple (doanh nghiệp hội viên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu), một vấn đề nhức nhối đang liên tiếp xảy ra trong hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam, đó là tình trạng doanh nghiệp sản xuất, chế biến tại Việt Nam tiếp nhận đặt cọc của doanh nghiệp Nhật Bản nhưng đến ngày xuất hàng theo hợp đồng thì không bảo đảm hàng hóa, không có hàng để lên container hoặc hàng không đủ tiêu chuẩn, chất lượng để xuất cảnh.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp hội viên của VJBA.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp hội viên của VJBA.

Mới đây nhất, bà Oanh và doanh nghiệp của mình đang đứng trước nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc hàng trăm triệu đồng khi đối tác tại Việt Nam không thực hiện giao hàng, không hợp tác thảo luận và có dấu hiệu trốn tránh.

Trước những thách thức đó, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nhận được sự hỗ trợ và định hướng từ Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng, để có thể giải quyết các vấn đề và rủi ro xảy ra liên quan đến trách nhiệm của các nhà sản xuất nông sản tại Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, các bên đi đến thống nhất về việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để VJBA hoạt động thuận lợi trong việc kết nối với các doanh nghiệp, các địa phương trong nước và trên thế giới. Điều này nhằm mang lại những cơ hội và lợi ích lâu dài cho cả hai bên, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhã Kỳ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm