Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: Hiệp hội Doanh nghiệp là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương

DNVN – Trước thêm Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ III (2020-2025), sẽ diễn ra chiều ngày 4/10, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã dành riêng cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc trao đổi, đánh giá về những đóng góp của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua, cũng như những kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới.

Lâm Đồng: Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho chủ doanh nghiệp / Lâm Đồng: Ra mắt Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Đơn Dương

Chào ông! Xin ông khái quát đôi nét về tình hình phát triển doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Yên: Thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng luôn đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó đã triển khai nhiều giải pháp, chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Từ đó doanh nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến phù hợp với chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã từng bước được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Yên, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Văn Yên, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2015 tổng số doanh nghiệp còn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.799 doanh nghiệp; đến tháng 6/2020 Lâm Đồng đã có 9.459 doanh nghiệp và sẽ đạt mục tiêu có 10.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Trong những năm qua, mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển được nhiều sản phẩm mới, khai thác tốt thị trường.

Số doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận đạt mức 8% đến trên 10% so với doanh số chiếm tỷ lệ khá và chiếm trên 60% số doanh nghiệp đang hoạt động. Khu vực doanh nghiệp, HTX và hộ kinh tế gia đình trong 5 năm qua tạo công ăn việc làm mới cho gần 30.000 lao động hàng năm, đưa tổng số lao động có việc làm trong khu vực doanh nghiệp đạt trên 910.000 lao động. Khu vực doanh nghiệp của tỉnh đã đóng góp khoảng 55-60% vào tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm.

Đội ngũ doanh nhân tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua cũng đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đóng góp hình thành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Các doanh nhân ngày càng thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu được nhiều sản phẩm của tỉnh, góp phần đưa hình ảnh của Lâm Đồng đến với các nước trên thế giới.

Nhờ thế, trong 5 năm (2016-2020), kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng cao theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân tăng 8,0%. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước. Toàn tỉnh thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Để có được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô doanh nghiệp, phải chăng công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã rất được quan tâm phải không, thưa ông?

Đúng vậy. Để khẳng định quyết tâm và cam kết của lãnh đạo tỉnh về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 5/6/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Bản cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung cam kết cải thiện môi trường kinh doanh UBND tỉnh đã ký với VCCI. Kết quả tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đạt hầu hết các chỉ tiêu đã cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp là một trong những kênh quan trọng để tỉnh Lâm Đồng lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp là một trong những kênh quan trọng để tỉnh Lâm Đồng lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư của tỉnh đã từng bước được cải thiện tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập hàng năm bình quân trên 15%. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực trong 5 năm qua và Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây nguyên.

Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp… tăng cường hiệu quả công tác đối thoại, ngoài các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp 2 lần một năm, tỉnh còn giao Hiệp hội Doanh nghiệp chủ trì các Hội nghị đối thoại chuyên ngành; triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số DDCI.

Một số chỉ tiêu quan trọng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được theo cam kết, gồm: Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, thời gian nộp thuế, thẩm định và cấp phép xây dựng, thời gian hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu, ngành thuế đã phấn đấu đạt mức ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế, thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng là tổ chức đại diện, là “Mái nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, ông đánh giá như thế nào về vai trò, cũng như những đóng góp của Hiệp hội trong thời gian qua?

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ 81 hội viên ban đầu, đến nay Hiệp hội đã có gần 500 hội viên, với 11 chi hội trực thuộc ở hầu hết các huyện, thành phố. Bên cạnh đó còn phối kết hợp rất tốt với các Hội nghề nghiệp như Hiệp hội hoa, Chè, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội du lịch…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp và làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trước thềm Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ III.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp và làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trước thềm Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ III.

Hiệp hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền có liên quan để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Hiệp hội đã tổ chức hợp tác có hiệu quả với các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên liên kết, hợp tác đầu tư và kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức đào tạo nhiều kỹ năng cần thiết cho hội viên, nâng cao năng lực điều hành doanh nghiệp.

Có thể nói, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “Ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp, là chỗ dựa, là tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Không những thế còn là cầu nối hiệu quả, vững chắc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương.

Ông đặt kỳ vọng gì với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong nhiệm kỳ mới, thưa ông?

Xác định “Doanh nghiệp và các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tự lực vươn lên, hội nhập quốc tế, liên kết phát triển”, cá nhân tôi cũng như chính quyền địa phương mong muốn và kỳ vọng trong nhiệm kỳ III (năm 2020-2025), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục có thêm nhiều giải pháp, hành động sáng tạo, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới; góp phần cùng với chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên trao thưởng cho các dự án khởi nghiệp của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên trao thưởng cho các dự án khởi nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cùng các Hội, Hiệp hội ngành nghề cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng quy chế phối hợp nhịp nhàng, kết thành một khối thống nhất để tăng cường sức mạnh cạnh tranh trong giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng, để doanh nghiệp địa phương sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Với phương châm “Đồng hành cùng Doanh nghiệp”, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Viên Hữu (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm