Hỗ trợ doanh nghiệp

Tận dụng không gian văn hóa, lễ hội để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống chủ yếu của 4 tộc người (Kinh – Khmer – Chăm – Hoa), khác biệt về ngôn ngữ và tín ngưỡng tôn giáo là đặc trưng của từng dân tộc đan kết với nhau, tạo nên một vùng văn hóa rất riêng mà ngành du lịch đã chọn làm điểm nhấn để khai thác nhằm thu hút du khách.

Hành động quyết đoán để tháo gỡ vướng mắc cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam / Doanh nghiệp nhận thức tốt về tăng trưởng xanh nhưng thiếu tiềm lực tài chính

Lợi thế sẵn

Đến xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu, du khách mãn nhãn khi ngắm nhìn ngôi chùa nguy nga, tráng lệ theo trường phái Phật giáo Nam Tông, đậm nét kiến trúc Angkor – đó là chùa Xiêm Cán. Ngôi chùa 135 năm tuổi, đã qua 9 đời trụ trì, có 115 pho tượng miêu tả quá trình khổ luyện của đức Phật từ lúc sinh ra đến khi về cõi niết bàn. Chùa Xiêm Cán là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.

Hằng năm, tại chùa diễn ra nhiều lễ hội: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta ... thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến chiêm bái, tham quan. Du khách Đào Phương Liên đến từ Hà Nội cho biết: Từ trước đến nay tôi chỉ biết đến xứ Bạc Liêu nổi tiếng có công tử Bạc Liêu, hôm nay đi thêm chùa Xiêm Cán để biết thêm kiến trúc và văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đến đây phong cảnh rất đẹp, phong tục cũng có dấu ấn riêng.

n

Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL.

Ngày 29/11/2022, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL. Chùa Xiêm Cán bước vào danh mục điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và cơ hội phát triển du lịch cộng đồng.

Thượng tọa Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết định hướng làm du lịch trong thời gian tới: Phải trồng cây cảnh, bông hoa. Bố trí ki-ốt để sắp xếp trang phục của người Khmer để du khách đến muốn chụp ảnh với trang phục này. Sau nữa là xây nhà hàng và nhà nghỉ nơi đối diện ngôi chùa để phục du khách ăn uống nghỉ ngơi. Rồi đào tạo con người, đào tạo thuyết minh viên du lịch cho chùa. Tiến hành từng bước để giúp du khách vui và hài lòng khi đến chùa.

Đi trước Bạc Liêu, An Giang được cho là địa phương đi đầu khi mở rộng không gian văn hóa dựa vào lợi thế sẵn có. Với ngọn Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) hùng vĩ, thế núi theo kiểu “rồng chầu, hổ phục” phong cảnh “thủy tú sơn kỳ” bốn mùa đẹp như hoa, cây cỏ xanh tươi phồn thịnh, An Giang xúc tiến kêu gọi đầu tư các công trình văn hóa –tâm linh.

n

Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) hùng vĩ tại An Giang.

 

Hiện nay, nơi đây trở thành “kinh đô chùa chiền” bậc nhất miền Tây với vô số kể các chùa lớn như: Vạn Linh, Phật Lớn, động Thủy Liêm, hang Ông Hổ, điện Rau Tần. Trung bình, một đợt Lễ hoặc Tết kéo dài 5 ngày thì Thiên Cấm Sơn thu hút trên 60.000 lượt du khách. Chưa dừng lại, An Giang tiếp tục ra mắt sản phẩm mới để không gian văn hóa vùng đồng bằng nhiều “núi sót” này chưa bao giờ là “cũ” trong mắt du khách.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh An Giang cho biết, Trekking Núi Cấm, loại hình du lịch này trong năm 2022 đã thu hút đông đảo du khách tham gia rồi thể hiện sự yêu thích khám phá thiên nhiên cũng như chinh phục những thử thách. Tiếp theo sẽ phát triển các loại hình du lịch theo mùa ở núi Cấm như là Team building và cắm trại trên núi Cấm.

Việc công nhận chùa Xiêm Cán là địa điểm du lịch tiêu biểu hay đầu tư công trình văn hóa-tâm linh ở ngọn Thiên Cấm Sơn là mở rộng thêm không gian văn hóa - điều mà trong hầu hết các hội thảo về phát triển du lịch và kinh tế vùng, các chuyên gia đều đề cập tới.

Liên kết để cùng phát triển

Từ năm 2019, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL được triển khai trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển và từ đó khái niệm “mở rộng không gian văn hóa” cũng đã được địa phương đầu tư nguồn lực để thực hiện.

Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, đã khéo léo lồng ghép Đờn ca tài tử Nam Bộ vào loại hình du lịch vườn cây ăn trái và “gặt hái” được thương hiệu là thiên đường du lịch sinh thái. Ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết, đã đặt loại hình du lịch sinh thái miệt vườn là chủ lực nên sẽ gắn với các dịch vụ: Đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, đò chèo, để du khách lên nhà vườn hái trái cây thưởng thức tại chỗ để cảm nhận hương vị của đồng quê.

 

n

Tiền Giang, đã khéo léo lồng ghép Đờn Ca Tài Tử vào loại hình du lịch vườn cây ăn trái .

Còn Kiên Giang, ngoài thì đầu tư cho các tour khám phá đại dương như: Lặn biển ngắm san hô, tìm kho báu trên các quần đảo thì đang đưa du lịch gắn với truyền thống nghề cá và nền văn minh biển cả.

n

Nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

Theo ông Nguyễn Lưu Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, Vietking – tổ chức kỷ lục Việt Nam và một số tổ chức khác cũng đã công nhận sản phẩm đặc trưng của Kiên Giang. Vậy thì phải gắn các ngành nghề truyền thống này với phát triển du lịch.

n

Di sản đương đại Mang Thít bảo tồn làng nghề gạch, gốm tại Vĩnh Long.

 

Mới đây nhất, Vĩnh Long đã triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít bảo tồn làng nghề gạch, gốm gắn với phát triển du lịch. Huyện Mang Thít là địa phương hiếm hoi trên cả nước còn lưu giữ được khối di sản kiến trúc cùng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống với gần 1.500 lò gạch.

Với nhiều nỗ lực, các địa phương vùng ĐBSCL đang dành nhiều nguồn lực để cơ cấu, sắp xếp và mở rộng thêm không gian văn hóa nhằm đắp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế thời kì mới. Trước mắt là giúp ngành du lịch “lột xác” từ giá trị di sản cũ sang một sự chuyển đổi sáng tạo, mới mẽ và hấp dẫn.

Coi trọng bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch.

Năm 2022, tổng lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 44 triệu lượt, doanh thu ước đạt 33.977 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL vẫn chưa mới và hấp dẫn. Đa dạng về văn hóa nhưng lại thiếu sự đầu tư. Cho nên, khách đến rồi đi mà không ai lưu trú lại.

ĐBSCL rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy các loại hình văn hoá – lễ hội để phát triển kinh tế du lịch. Nhưng việc mở rộng không gian văn hóa vẫn còn chậm. Trong xu thế phát triển và nhu cầu thưởng ngoạn-du lịch mang tính lựa chọn đòi hỏi địa phương trong vùng phải thay đổi để thích nghi, phải sáng tạo, lồng nghép và đầu tư vào các không gian văn hóa thêm hấp dẫn để biến không gian văn hóa là 1 sản phẩm trải nghiệm.

 

Du lịch văn hoá – lễ hội ở ĐBSCL có những ưu điểm vượt trội so với các loại hình du lịch khác như: ít có tính mùa vụ, có thể phát triển quanh năm, tạo nguồn thu ổn định, mức tăng trưởng ngày càng lớn, mức đầu tư thấp và góp phần tạo ra sinh kế cho cộng đồng dân cư. Cho nên cần một định hướng “dứt khoát” của địa phương để đầu tư cho lĩnh lực này. Mở rộng không gian cũng là mở ra cơ hội lớn cho tỉnh nhà.

Mở rộng không gian văn hóa bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống. Từ từ sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và tiếp đến là hạ tầng…

Với bước đi trước thành công của các địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang…hy vọng sẽ là động lực để các địa phương khác nhanh chóng bắt tay đầu tư mở không không gian văn hóa để phát triển du lịch nói riêng và phát triển vùng nói chung.

Kim Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm