Hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp

DNVN - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà tỉnh đã đặt ra.

Thừa Thiên Huế sẽ là điểm đến tin cậy, hiệu quả của nhà đầu tư Hàn Quốc / Chủ tịch Thừa Thiên Huế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông và công trình trọng điểm

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính

Với quan điểm quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc rút ngắn nhiều thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

Điển hình như, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, từ 20 ngày làm việc xuống 14 ngày làm việc (tỷ lệ 30%)".

Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Cấp phép xây dựng, bao gồm cấp phép xây dựng mới, cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời công trình” từ không quá 20 ngày xuống còn không quá 7 ngày làm việc (tỷ lệ 65%); riêng đối với trường hợp cần xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì thời gian giải quyết được rút ngắn còn 12 ngày làm việc (tỷ lệ 40%)...

Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc rút ngắn nhiều thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính

Thừa Thiên Huế hiện đại hoá nền hành chính công để rút ngắn nhiều thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Nhờ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC nên trong tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 479 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (trong đó có 289 doanh nghiệp), với tổng số vốn đăng ký 2.021,6 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 212 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký khoảng 1.879,4 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ thực hiện cho 6 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 6 dự án với số vốn điều chỉnh 462 tỷ đồng.

Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm; đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

Cùng với việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thì tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác, như: Tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; Đảm bảo không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kể cả thanh tra chuyên ngành.

 

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế luôn xác định quan điểm chính quyền là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp vào phát triển của tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: Nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thừa Thiên Huế luôn xác định quan điểm chính quyền là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Thừa Thiên Huế luôn xác định quan điểm chính quyền là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

 

Bên cạnh đó sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, cấp huyện, mô hình một cửa hiện đại cấp xã. Duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về Chính quyền điện tử, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm trong nhóm tốt nhất của cả nước. Thực hiện các giải pháp cải thiện vị trí thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

Đồng thời, hoàn thiện việc xây dựng Quy chế hỗ trợ cấp Thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc hoàn thiện và nâng cấp Hệ thống thông tin doanh nghiệp, hướng đến hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công.

Tập trung hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng, hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử.

“Với sự tích cực và quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tin tưởng ngày càng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư tại tỉnh, góp phần đưa Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, khẳng định.

 

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm