Hỗ trợ doanh nghiệp

Thúc đẩy vai trò doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng bền vững

DNVN - Sáng 22/11, sáng kiến “Thúc đẩy thực hành phương pháp Môi trường - Xã hội - Quản trị trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững” đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) công bố nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân.

Phó Thủ tướng nhắc lại thông điệp của Chủ tịch nước: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân / Ấn tượng với cụm từ "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân của Thủ tướng

Sáng kiến được công bố tại “Diễn đàn thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững". Sáng kiến hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, được biết đến là tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).

Đây là bộ tiêu chuẩn thường được các nhà đầu tư sử dụng để đo lường cách thức mà một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với cộng đồng, áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm.

Các đại biểu bấm nút khởi động sáng kiến mới.

Sáng kiến được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), với tổng số vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ, hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ doanh nghiệp cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs), bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.

Qua đó, thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới và năng động, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng cơ hội phát triển kinh tế. Đây cũng là sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho SGBs.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương ghi nhận xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong 10 năm qua.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đạt hơn 878.600 doanh nghiệp, tăng hơn 2,7 lần so với khoảng 324.700 vào cuối năm 2011. Cả nước hiện có khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế).

“Khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Phương nói.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực trước năng suất lao động và chuyển đổi số trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương khẳng định Sáng kiến là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắchướng tới một nền kinh tế bền vững hơn. (Ảnh: Hà Anh).

“Sáng kiến được công bố sẽ là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan toả, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tích cực thực hành theo phương pháp này, hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn”, ông Phương khẳng định.

Ông Michael Schiffer, Giám đốc Khu vực Châu Á của USAID chia sẻ: “Mặc dù là nguồn tạo việc làm chính nhưng các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam lại đang gặp nhiều thách thức trong phát triển bền vững.

USAID đang mở rộng quan hệ đối tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua các khó khăn và nắm bắt cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh. Sáng kiến được công bố ngày hôm nay là một trong những kết quả của mối quan hệ đối tác đó”.

Được biết, Sáng kiến sẽ tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành ESG trong khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho các SGBs về thực hành ESG; mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp quan tâm đến ESG.

Thúc đẩy và trao đổi các thực tiễn tốt nhất, mục tiêu đến năm 2025, Sáng kiến sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 SGBs, trong đó 10 SGBs sẽ nhận được hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.

Nỗ lực này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm