Hỗ trợ doanh nghiệp

TP.HCM: Xử nghiêm các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp

DNVN - Các cơ quan, đơn vị cần tập trung đảm bảo không còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời phải tiến hành xử lý nghiêm đối với các hành vi gây phiền hà, "tạo gánh nặng" cho doanh nghiệp.

Trọng tài thương mại - 'cứu tinh' cho tranh chấp của doanh nghiệp / Grab kháng cáo bản án phải bồi thường gần 5 tỷ cho Vinasun

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2015 – 2020, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận-huyện thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá năng lực quản lý của chính quyền TP.

Theo đó, đối với chỉ số “chi phí không chính thức”, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp như: rà soát quy trình, thủ tục và các khâu trong quá trình xử lý hồ sơ, dự án, các loại giấy tờ hành chính khác đảm bảo không còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và người dân; kiểm tra, giám sát, giải trình nội bộ đối với các hồ sơ trễ hạn, hồ sơ phải yêu cầu bổ sung; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp, người dân của cán bộ, công chức; công khai bộ phận của những cơ quan, đơn vị gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

UBND TP.HCM yêu cầu xử nghiêm đối với các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp

UBND TP.HCM yêu cầu xử nghiêm đối với các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà doanh nghiệp

Về chỉ số “cạnh tranh bình đẳng”, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện công khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, phổ biến rộng rãi các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của TP.

Đảm bảo sự cân bằng trong việc tiếp nhận thông tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khu vực kinh tế tư nhân; cụ thể hóa những chính sách hỗ trợ đối với việc phát triển kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ở chỉ số “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, Công an TP được giao mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Xóa bỏ các băng, ổ, nhóm tội phạm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, tín dụng đen...

Với “cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc…

Tại chỉ số “xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật”, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng văn bản, cập nhật các quy định pháp luật hiện hành để tránh những sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong Nghị quyết có nêu ra nội dung là Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có). Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp luôn 'kêu trời' vì bị các cán bộ, quan chức cố tình gây nhũng nhiễu bằng các hình thức như: không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp; cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc... để các doanh nghiệp phải 'bôi trơn'. Chính điều này đã gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.

Để hạn chế những thực trạng đó, thời gian qua Chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn sự đóng góp cũng như vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Từ đó, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng từ trong nội bộ doanh nghiệp cũng như phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền rộng rãi Luật Phòng chống tham nhũng.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo