Hỗ trợ doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ"

DNVN - Khi thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn và kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ nơi tạm trú cho người lao động, hình thành hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và báo chí cần hợp tác theo chiều sâu / Điều kiện "không có nợ xấu" là rào cản lớn khi doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA), hiện nay phần lớn các doanh nghiệp quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, giữ chân công nhân tổ chức sản xuất và tổ chức ăn ở cho công nhân theo quy định mới. Đến nay đã có hơn một nửa doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động khi đáp ứng đủ phương án sản xuất 3 tại chỗ.

Nhưng các doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nơi ở tạm trú cho công nhân. Một vài đơn vị buộc phải thuê khách sạn cho công nhân ở và hàng ngày có xe đưa đón.

Cụ thể, tại khu công nghệ cao, Công ty Datalogic đang tổ chức ăn ở tại chỗ cho 150 công nhân. Đồng thời, họ phải gửi 150 công nhân lưu trú tại 5 khách sạn lớn nhỏ khác nhau.

Tương tự, tại Công ty Intel Việt Nam và Công ty Jabil Việt Nam, mỗi công ty đều đã bố trí 1.000 công nhân lưu trú tại nhiều khách sạn ở quận 1, 9 và quận Phú Nhuận, có xe đưa đón công nhân. Còn Công ty Sonion Việt Nam giữ lại 30 công nhân ở tại chỗ và bố trí 430 công nhân lưu trú tại khách sạn ở quận 1.

"Trước tình hình này, doanh nghiệp đang rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp rất mong chính quyền quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước", HBA đề xuất.

Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cấp thiết các doanh nghiệp và nhà máy đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ".

Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cấp thiết các doanh nghiệp và nhà máy đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ".

Bên cạnh đó, khi áp dụng quy định "một cung đường 2 địa điểm", một số doanh nghiệp không đáp ứng vì có một điểm đến nhưng lại nhiều điểm đón do phải thuê nhiều khách sạn ở các điểm khác nhau.

Ngoài ra, do đặc điểm từng nhà máy, công ty có ngành, nghề, cách sử dụng lao động và điều kiện ăn ở khác nhau, nên các quy định cần linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù và quan trọng.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền và đoàn thể các cấp quan tâm, hình thành hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ”. Đồng thời, thống nhất 1 đoàn kiểm tra định kỳ hay đột xuất để thuận tiện cho doanh nghiệp đón tiếp, bảo đảm an, toàn phòng dịch thay vì có quá nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp như hiện nay.

Đối với các vấn đề liên quan đến y tế và lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19, Hiệp hội HBA đề xuất, ngành y tế tổ chức tập huấn, huấn luyện cho doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ," doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy hoặc công ty tự tổ chức lấy mẫu cho công nhân gửi ngành y tế, sau đó nhận kết quả tại doanh nghiệp.

Cùng đó, tiếp tục đưa công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao là đối tượng ưu tiên cần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Công nhân nào đã tiêm thì được ưu tiên tiêm vaccine mũi thứ hai khi đến thời hạn.

Không chỉ vậy, Hiệp hội HBA cho rằng, thành phố cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giao thông hàng hóa. Theo họ, việc quy định việc giao nhận hàng hóa tại sân bay và cảng chỉ được hoạt động từ 22h đến 5h sáng là không phù hợp trong sản xuất kinh doanh và logistics. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh nên cho áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo cho các loại hình xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân để dễ kiểm soát.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm