Hỗ trợ doanh nghiệp

Tung ngay 'phao cứu trợ' giúp doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ sớm đi vào thực tiễn. Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, tác động lớn, nếu hỗ trợ không kịp thời chắn chắn nhiều doanh nghiệp bị "khai tử".

Doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau qua mùa dịch / Doanh nghiệp ngành thép đề nghị gỡ khó do đại dịch Covid-19

Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục và hoàn tất thủ tục giải thể lên tới 28.400 doanh nghiệp. Một số ý kiến lo ngại con số này sẽ tăng cao hơn nhiều nếu tình hình dịch Covid-19 chưa có chuyển biến tích cực.

Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nafoods Group, khó khăn chung của ngành nông sản về thị trường thì đã rõ, tuy nhiên, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, hiện phí vận tải biển tăng rất cao, 1 container xuất đi Trung Quốc tăng gấp đôi từ 700 USD lên 1.800 USD, 1 container xuất đi châu Âu và Mỹ tăng lên 15% (từ 1.500 lên 1.800 USD/container).

Nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet)

"Chi phí cao, hàng hóa tồn kho khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn. Doanh nghiệp tham gia giải cứu nông sản rất nỗ lực nhưng rất khó vay vốn ngân hàng", ông cho biết.

Từ đó, đại diện Nafoods Groupmong mỏi những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ vừa ban hành phải lan tỏa nhanh, bởi "dịch lan nhanh nhưng chính sách chậm thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản".

Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thủy sản cũng là một trong các ngành kinh tế bị tác động ngày càng rõ nét bởi dịch Covid-19: tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.

Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 - 4 - 5/2020, doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm đáng kể.

 

Đối với một số thị trường châu Á, hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị chậm trễ do thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.

Để giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tham gia tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Vasep cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng lại đưa ra rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ như, yêu cầu phải có tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, chứng từ giải ngân đảm bảo tính pháp lý và phương án kinh doanh rõ ràng. Ngoài ra, còn có một số quy định khác như: dùng hàng hóa hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho khoản dư nợ vay chưa có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, so với các năm trước, hiện nay cũng phát sinh thêm nhiều khoản phí mà doanh nghiệp phải gánh thêm như: phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin phí gửi hồ sơ...

Đáng chú ý, trong đơn thư kêu cứu Thủ tướng, tập thể cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc cho biết hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19.

 

"Trong khi chờ đợi sự trợ giúp các cấp chính quyền và các cơ quan ban ngành, các nhà đầu tư tư nhân như chúng tôi đã và đang phải nỗ lực tự xoay sở. Chúng tôi đã hết sức vận dụng những nguồn lực tài chính cuối cùng, thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê trung tâm, trả lương nhân viên, giáo viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm...", đại diện các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho biết.

Tương tự, đại diện doanh nghiệp logistics cũng cho hay do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi, vì vậy việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistics. Doanh nghiệp bị giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... ).

Rất cần "phao cứu trợ"

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn có chính sách miễn, giảm thuế, các loại phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế… cho doanh nghiệp trong năm 2020.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ cho doanh nghiệp rất tốt nhưng bây giờ phải làm thế nào cho trúng và đúng đối tượng cần hỗ trợ, không cào bằng, không bỏ quên doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ.

Bà Lan cho rằng các ngân hàng hiện nay được lệnh khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cũng là rất cần thiết. Hơn nữa, để hỗ trợ doanh nghiệp thích đáng, các cơ quan nhà nước nên lắng nghe xem doanh nghiệp khó khăn gì, điều tra xem doanh nghiệp khó khăn ở đâu để có chính sách phù hợp.

"Doanh nghiệp nào có tác động nhiều nhưng có lực thì hãy khoan hỗ trợ, còn những doanh nghiệp nào mà không hỗ trợ ngay thì chết ngay hoặc cái chết đến rất sớm thì nên lắng nghe để có điều tra thực tế. Các doanh nghiệp rất cần một chiếc cần "phao cứu trợ" ngay bây giờ.Không nên hỗ trợ kiểu ngồi phòng lạnh đoán rằngdoanh nghiệpto mất nhiều nên hỗ trợ nhiều, còndoanh nghiệpnhỏ mất ít thì cho ít", bà Lan khuyến nghị.

Cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chung sức, đồng lòng, liên kết với nhau để vượt qua khó khăn này, tránh tình trạng cạnh tranh không công bằng. Điển hình, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp tự ý giảm giá bán chanh leo,Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nafoods GroupNguyễn Mạnh Hùng mong muốn Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp không được tự ý giảm giá bán nông sản, cũng như cạnh tranh không lành mạnh ép giá nông dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm