Hỗ trợ doanh nghiệp

Ứng dụng công nghệ trong logistics: Cần có lộ trình cụ thể

DNVN - Việc ứng dụng công nghệ được coi là chìa khoá giúp doanh nghiệp logistics giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị sớm và có lộ trình chuyển đổi cụ thể mới đạt được mục đích kỳ vọng.

Đà Nẵng: Các điểm sáng về tăng trưởng giá trị đầu tư / Hợp tác xã Lâm Đồng – Hà Nội liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hạn chế về năng lực cạnh tranh

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng thương mại nhanh trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá ngày càng cao về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển dịch vụ logistics.

Năm 2022, Việt Nam vươn lên vị trí top 10 trong bảng xếp hạng của Agility về Chỉ số logistics các thị trường mới nổi. Điều này cho thấy sự thành công của Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng của mình và tính sẵn sàng trong việc tiếp nhận sự chuyển dịch của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia lớn trên toàn cầu.

Chính phủ đang thực hiện các bước đi cụ thể để giảm chi phí hậu cần như đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành chính sách thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào logistics. Đồng thời đơn giản hóa các quy định, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Các sáng kiến như cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN đã được triển khai nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy các giao dịch không cần giấy tờ. Những nỗ lực này nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện các hoạt động logistics, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho thương mại và đầu tư.

Tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" ngày 5/10, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong năm 2023, Chính phủ đã và đang quan tâm đẩy mạnh quy hoạch cơ sở hạ tầng, từ đó ngành logistics có cơ hội phát triển, tăng trưởng.


Doanh nghiệp logistics được khuyến nghị đẩy mạnh áp dụng công nghệ theo lộ trình cụ thể.

Đồng thời, công nghệ, chuyển đổi số cũng là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp trong ngành logistics đẩy mạnh, phát triển và không chỉ phát triển trong nước, địa phương mà còn vươn tầm quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Hải, thách thức hiện nay là năng lực doanh nghiệp trong ngành logistics của Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có nhiều năng lực cạnh tranh.

"Thực tế cho thấy, dịch vụ hàng hóa logistics của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới ở biên giới Việt Nam, chưa thể bứt phá ra quốc tế. Đây được xem là hạn chế lớn đối với doanh nghiệp logistics trong nước", ông Hải nói.

Áp dụng công nghệ để giảm chi phí

Theo các diễn giả, những hạn chế của doanh nghiệp logistics Việt Nam có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh, hoàn thiện cơ sở hạ tẩng, khung pháp lý để thúc đẩy ngành logistics phát triển, nhưng trước hết bản thân các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng cần nỗ lực.

Ông Trường Bùi - Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam cho rằng, để có thành đạt được mục tiêu kỳ vọng trong thị trường giao hàng nhanh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Thị trường Việt Nam nhỏ hơn thị trường Trung Quốc, nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp giao nhận phải áp dụng công nghệ để có thể đưa ra mức giá tốt nhất phục vụ khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh.

"Chúng ta cần xem xét vấn đề này, vì công nghệ có thể giảm 15-25% chi phí của các doanh nghiệp giao nhận nhanh hiện nay. Hay nói cách khác tự động hóa sẽ giúp tiết giảm chi phí", ông Trường Bùi nói.

Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam việc sử dụng công nghệ và áp dụng công nghệ nào cho phù hợp trong vận hành, sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là giao nhận… đòi hỏi sự tinh nhuệ của từng doanh nghiệp. Bởi thị trường của Việt Nam nhỏ, nhưng tính cạnh tranh cao.

Việc sử dụng công nghệ nào, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng và bài bản, làm thế nào để đưa giá thành xuống mức thấp nhất.

Về năng lực, doanh nghiệp phải biết tận dụng dữ liệu của khách hàng khi làn sóng ngày càng bùng nổ, nhằm tạo sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp phải mang công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam. Nhưng phải phù hợp thị trường trong nước thì mới có thể hoạt động thành công trong lĩnh vực giao hàng nhanh hiện nay.

Có lộ trình chuyển đổi cụ thể

Để có thể cạnh tranh được trên thị trường, theo Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị sớm và cần có lộ trình chuyển đổi cụ thể mới đạt được mục đích kỳ vọng.

Cùng góc nhìn, ông Sam Tan - Giám đốc Bộ phận giới thiệu sản phẩm mới - NPL, UB Malaysia, cho hay, dù trong bối cảnh tự động hóa mạnh mẽ như hiện nay nhưng khi triển khai một công nghệ nào đó, không thể nóng vội, tận dụng ngay những công nghệ hàng đầu thế giới được. Doanh nghiệp phải có quá trình học hỏi, phải có những bước đánh giá mức độ, sự khả thi, hiệu chuẩn… cho phù hợp với thực tiễn.

Tiếp đến là tập huấn cho mọi người sử dụng công nghệ, đánh giá các mức độ sử dụng như thế nào, có thành công hay không, sau đó mới bắt tay vào ứng dụng.

Ngoài ra, khi triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng cần phải xem xét con đường số hóa sẽ như thế nào. Phải hiểu được bản chất của dữ liệu là gì. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc để xem xét vấn đề này nên hành trình tự động hóa gặp nhiều khó khăn…

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm