Hỗ trợ doanh nghiệp

Vị thế Vinafood 1 trước cổ phần hóa và về siêu ủy ban

Vinafood 1 sẽ chuyển về Siêu ủy ban và thực hiện cổ phần hóa năm 2019.

Người Thái sắp cải tổ toàn diện Sabeco / Ông lớn bán lẻ Central Group mua lại cổ phần của Grab ở Thái

Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2019 và Nhà nước nắm giữ 65-75% vốn điều lệ.

Vinafood 1 cũng là 1 trong 4 tổng công ty thuộc Bộ NN&PTNT nằm trong danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty phải chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Trước khi chuyển về Siêu ủy ban, Vinafood 1 đang có vị thế và hoạt động kinh doanh ra sao?

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước

Mặc dù thị trường xuất khẩu lương thực cạnh tranh gay gắt, Vinafood 1 trong những năm qua đang cho thấy sự ổn định và tiến bộ. Kết thúc năm 2017, Vinafood 1 bất ngờ trở thành doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo (thị trường chính là Cuba) đạt kim ngạch 346 triệu USD. Trong khi đó, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) lần đầu tiên bị đánh bật khỏi vị trí dẫn đầu xuống hạng 3.

Về kinh doanh nội địa, Tổng công ty (TCT) đã tiêu thụ trên 1 triệu tấn gạo và nông sản. Sản lượng bột mỳ tiêu thụ trên 270.000 tấn, chiếm trên 50% thị phần phía Bắc. Các đơn vị ngành muối tuy vẫn gặp khó khăn nhưng vẫn giữ được thị phần và mở rộng thêm khách hàng ở Mỹ, Nhật,…

Tổng lượng lương thực bán ra của Vinafood 1 trong năm 2017 đạt gần 1,64 triệu tấn các loại. Từ đó, tổ hợp công ty mẹ-con ghi nhận mức tổng doanh thu, thu nhập là 15.941 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thu về 354,8 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinafood 1 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng khi đạt doanh thu thuần 6.682 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và bằng 82% con số thực hiện cả năm 2017. Lợi nhuận trước thuế thu về 153 tỷ, tăng trưởng 9% nhưng chỉ đạt 48% kế hoạch năm do chi phí bán hàng tăng mạnh.

So sánh với một đơn vị khá tương đồng là Vinafood 2, các chỉ số kinh doanh của Vinafood 1 tỏ ra hiệu quả hơn. Vinafood 1 có lợi nhuận chưa phân phối đến 30/6 là 220 tỷ, trong khi đó Vinafood 2 lại bị lỗ lũy kế 831 tỷ đồng.

Vinafood 1 cũng đang tăng cường đầu tư khi tổ hợp công ty mẹ-con dự chi 230 tỷ đầu tư trong năm 2018 cho 36 dự án và tăng công suất thêm 300 tấn gạo/ngày. TCT cũng mở rộng mạnh tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khi lên kế hoạch đầu tư vào Tổng kho An Giang, đầu tư 100 tỷ xây Nhà máy thu mua xuất khẩu gạo tại ĐBSCL…

Con đường cổ phần hóa có dễ dàng?

Trong số 4 tổng công ty của Bộ NN&PTNT chuyển về siêu ủy ban, Vinafood 1 sẽ là đơn vị thứ 3 tiến hành cổ phần hóa sau Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Vinafood 2.

Một điều khá tích cực cho Vinafood 1 cổ phần hóa là các đơn vị đầu ngành nông nghiệp rất được các nhà đầu tư quan tâm khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, Vinafor đã IPO thành công 24 triệu cp hồi 2016 và chào bán 40% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T. Còn Vinafood 2 cũng bán thành công 115 triệu cp khi IPO hồi tháng 3 và bán 125 triệu cp, tỷ lệ 25% cho NĐT chiến lược cũng là T&T. Hay Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) IPO thành công 76 triệu cp cuối tháng 3 và bán 65% vốn cho NĐT chiến lược Vinamco (thuộc Tập đoàn BRG).

Mặc dù có được sự thuận lợi nhìn từ các thương vụ IPO cho doanh nghiệp nông nghiệp và hiệu quả kinh doanh đang được cải thiện nhưng con đường cổ phần hóa của Vinafood 1 cũng không hề dễ dàng.

Trong Đề án tái cơ cấu Vinafood 1 giai đoạn 2011 – 2015, Vinafood 1 sẽ cổ phần hóa đồng thời 2 công ty con là Lương thực Lương Yên và Muối Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa đến này vẫn chưa hoàn thành và phương án mới nhất được Bộ NN&PTNT quyết định là hoàn thành trong năm 2019.

Về công tác đổi mới-sắp xếp doanh nghiệp, trong 3 năm 2015-2017, Vinafood 1 đã thoái vốn tại 10 công ty con với tổng số vốn gốc thoái là 41,6 tỷ đồng; đồng thời tăng vốn đầu tư tại 5 đơn vị thành viên. Tại cuối năm 2017, Vinafood 1 còn 24 công ty con so với con số 30 của đầu năm 2015.

Trong phương án tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020, Vinafood 1 sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại 15 doanh nghiệp, giảm sở hữu còn 65% vốn tại 7 công ty và thoái vốn toàn bộ 12 đơn vị khác. Do vậy, việc sắp xếp các đơn vị thành viên cũng là bài toán lớn với Vinafood 1.

Việc thực hiện IPO của TCT cũng có thêm ‘điều kiện’ là phải cổ phần hóa trước công ty TNHH Một thành viên Muối Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Lương Yên. Nếu việc cổ phần hóa 2 đơn vị này kéo dài sẽ làm chậm quá trình IPO của TCT. Ngoài ra, việc quyết định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến tận 30/6/2019 cũng tạo ra áp lực thời gian cho Vinafood 1 để có thể triển khai nhanh các công tác khác chuẩn bị cho việc IPO.

Theo ndh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm