Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu, 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh

DNVN - Phát biểu tại “Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài”, sáng 22/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trích dẫn đánh giá của Eurocham và JETRO: Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu, 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.

Công nghệ đóng gói, bao bì hút các nhà đầu tư nước ngoài. / Cơ hội nào cho nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hàng không Việt Nam?

Sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức “Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài” cho thấy sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây chính là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài.

Theo đó, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại “Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài”.

Với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư tại Việt Nam và hàng trăm tập đoàn lớn trên thế giới tham dự trực tuyến, hội nghị cho thấy sự quan tâm, tinh thần đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam.

Theo kết quả Khảo sát năm 2022 do JETRO thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN.

Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất…

Theo khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.

“Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, bước vào năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.

60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Namtrong 1-2 năm tới.

Báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch…

Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Dũng cho biết: Năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc".

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

"Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ KH&ĐT cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công", ông Dũng khẳng định.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm