Doanh nghiệp 24h

Grab tăng giá cước tất cả các dịch vụ từ ngày 10/3

DNVN – Grab hiện là hãng gọi xe đầu tiên thông báo tăng cước tất cả dịch vụ vụ từ chở khách, giao hàng, đi chợ hộ... từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay để bù đắp chi phí vận hành do biến động về giá xăng và giá tiêu dùng trong nhiều tháng qua.

Grab Việt Nam được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2021 / Grab tiếp tục đẩy mạnh dự án GrabConnect nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Với thông báo được đưa ra mới đây, công ty này cho biết việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Cụ thể, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, dịch vụ này có giá cước nâng lên 34.300 đồng 2 km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu, dao động từ 430 đến 590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

Dịch vụ GrabBike cũng được điều chỉnh tăng giá cước. Tại TP Hồ Chí Minh, giá cước mới của dịch vụ này ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Áp lực lớn từ giá xăng, Grab tăng giá cước tất cả các dịch vụ từ 10/3.

Áp lực lớn từ giá xăng, Grab tăng giá cước tất cả các dịch vụ từ 10/3.

Ngoài 2 thành phố lớn, dịch vụ GrabBike tại 30 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh tăng để thích ứng giá xăng, phổ biến là mức cước tương tự như tại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.

Cước dịch vụ GrabFood trên toàn Việt Nam được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GrabMart có giá cước lên mức 17.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 6.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Đến thời điểm hiện tại, Gojek và BeGroup vẫn chưa chốt kế hoạch tăng giá cước phù hợp với biến động giá xăng dầu.

 

Giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ sáu liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022. Hiện, giá bán cả hai mặt hàng xăng RON 95 và E5 RON 92 đều ở mức cao nhất lịch sử. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.834 đồng/lít.

Với việc giá xăng tăng kỷ lục thời gian qua, đã làm cho phí vận tải tăng đột biến gây xáo trộn và ảnh hưởng rất nhiều không chỉ các hãng xe công nghệ nói riêng mà cả các doanh nghiệp vận tải logistic, xuất nhập khẩu, nông lâm thuỷ sản….cũng đang chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng nặng nề từ việc giá xăng tăng cao như hiện nay.

Theo nhận định của chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, giá xăng dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm đến ngày 15-2, cả nước nhập 950.872 tấn với trị giá 734,185 triệu USD. Trong đó, mặt hàng xăng là 79.360 tấn, diesel là 626.591 tấn với trị giá tương ứng 70,619 triệu USD và 488,466 triệu USD... So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu xăng giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 24%.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm