Góc nhìn

Đổi mã vùng điện thoại: Ai phải gánh lãng phí?

Mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 22 về thay đổi mã vùng điện thoại cố định và rút gọn số điện thoại di động. Quy định này hiệu lực từ ngày 1-3-2015.

Theo đó, Thông tư này tập trung vào hai nội dung chính là thay đổi mã vùng điện thoại cố định 59/63 tỉnh,TP và thống nhất đưa số di động về 10 số. Theo lý giải của Bộ TT&TT, việc thay đổi này xuất phát từ thực tế Việt Nam và hội nhập quốc tế, tạo sự công bằng, minh bạch cho người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp. Đăc biệt, với quy hoạch mới, Bộ TT&TT sẽ tạo được "sự công bằng trong quay số" cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định và di động (!).

Mục tiêu là vậy nhưng nhìn nhận trên thực tế, việc thay đổi mã vùng điện thoại hay thêm bớt số điện thoại kéo theo bao hệ lụy. Số điện thoại là thông tin của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức,…dùng để phục vụ liên lạc, giao dịch với nhau. Mỗi lần thay đổi số điện thoại hay mã vùng buộc các cá nhân, tổ chức đều phải sửa thông tin, thông báo với các đối tác. Điều này đi kèm rất nhiều thao tác khác như sửa biển hiệu, giấy tờ, in danh thiếp, danh bạ điện thoại cơ quan,…và như thế mỗi cá nhân, đơn vị lại phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để thực hiện.

Không cần tính toán với các mục tiêu, quy hoạch xa xôi chỉ cần mỗi bộ ngành, đơn vị từ trung ương đến địa phương in lại quyển danh bạ cơ quan lên đến hàng nghìn cuốn hoặc làm lại biển tên cũng đủ biết mức độ tốn kém ra sao? Vậy khoản chi phí này lấy từ đâu ra ngoài ngân sách? Hay như một doanh nghiệp, thay đổi mã số điện thoại cũng phải phát sinh thêm khoản phí in danh tiếp, biển quảng cáo, sổ sách,… trong khi điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, họ đang phải chắt bóp từng đồng!

Theo giải thích của Bộ TT&TT, quy hoạch mới lần này phân định rõ ràng mỗi đầu mã mạng sẽ gắn với từng loại hình như di động, viễn thông cố định vệ tinh, Internet, mạng dùng riêng và dự phòng. Với giới nghiên cứu viễn thông thì những thuật ngữ này rất quen thuộc và am hiểu. Tuy nhiên, với đa phần người dân và doanh nghiệp sẽ không quan tâm đến thuật ngữ kĩ thuật mà họ chỉ biết lâu nay đã gắn với một dãy số điện thoại quen thuộc để kết nối, làm việc và bây giờ thay đổi, chỉnh sửa sẽ vô cùng bất tiện, xáo trộn cuộc sống và tốn kém. Quy hoạch với tầm nhìn xa và rộng là điều cần thiết trong cách quản lý nhưng quy họach không gắn với thực tế cũng như gây lãng phí thì nên cân nhắc và xem xét lại!

Còn nhớ vào năm 2007, cơ quan quản lý đã quyết định tăng thêm mã mạng di động ba chữ số - tức là khai sinh số điện thoại di động 11 chữ số với lý do là do "cháy kho số". Thế nhưng tới đây các thuê bao 11 số sẽ bị đưa về 10 số để thống nhất quản lý. Cơ quan quản lý cũng “rối” với các con số chăng?

Pháp luật TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo