Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh

Ngày 6/9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2013 (MDEC - Vĩnh Long 2013), giới thiệu Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Ban Thư ký, MDEC - Vĩnh Long 2013 diễn ra tại thành phố Vĩnh Long từ ngày 21-24/11, gồm 6 sự kiện chính: Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013; Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2013; Hội thảo liên kết quy hoạch phát triển các đô thị bền vững về môi trường; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; Hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (gọi tắt là Hội nghị G13+1); Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013.

 
Trọng tâm bao quát của MDEC – Vĩnh Long năm 2013 sẽ tập trung vào chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh”.
 
Thông qua diễn đàn, hội thảo, lãnh đạo địa phương trong vùng với các vùng miền khác và cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra hướng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế xanh bền vững, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch. Đồng thời đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL để các địa phương tiếp cận, ứng dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, từng bước nhân rộng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao; giới thiệu về chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, trái cây, cá tra, tôm, mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết...
 
Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp sẽ thấy rõ hơn những vướng mắc, khó khăn chung, tìm ra những giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 cũng sẽ đưa ra Tuyên bố chung; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương các vấn đề bức thiết nhất nhằm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
 
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ: Đến cuối tháng 8 năm 2013, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có báo cáo hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư gửi về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Theo đó, có 139 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào vùng ĐBSCL, với số tiền là 410.000 tỷ đồng và 1,9 tỷ USD. Về trao giấy chứngnhận đầu tư, đã có 18 dự án với tổng số tiền 3.294 tỷ đồng và 61,2 triệu USD, 3 dự án trao chủ trương với tổng số tiền là 220 tỷ đồng.
 
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành vận động các đơn vị tham gia hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL năm 2013 và những năm tiếp theo. Từ các nguồn hỗ trợ, một số tỉnh, thành trong vùng đã khởi công xây dựng 8 trường mẫu giáo và tiểu học, 2 tuyến đường giao thông nông thôn, với kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, địa phương cũng đăng ký hỗ trợ hơn 25 tỉ đồng cho an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL năm 2013.
Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo