Quốc tế

Dự báo và nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

(DNVN) - Ngân hàng HSBC và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo và nhận định về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2015, còn IMF khuyến nghị Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, nếu GDP tăng trưởng chậm lại dưới 6,5% trong năm nay.

Theo dự báo của ngân hàng HSBC đưa ra hôm 27/5, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,1%, giảm so với mức dự báo trước đó là 7,3%. Còn mức cắt giảm lãi suất dự báo được nâng từ 25 điểm cơ bản lên 50 điểm.

Quyết định điều chỉnh trên đưa ra khi xuất khẩu của Trung Quốc tính từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng, phản ánh nhu cầu nước ngoài thấp hơn và đồng nhân dân tệ mạnh lên. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Qu Hongbin của HSBC, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên thực hiện các chính sách nới lỏng mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng.

Ngân hàng này dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại xuống còn 6,8% trong quý II năm nay, giảm so với mức tăng trưởng 7% - tốc độ tăng trưởng thấp nhấ trong 6 năm - ghi nhận trong quý I vừa qua. Tuy nhiên, theo HSBC, kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục với mức tăng trưởng 7,1% trong quý III và 7,2% trong quý IV.

Trước đó, hôm 26/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, nếu GDP tăng trưởng chậm lại dưới 6,5% trong năm nay, và nên chuẩn bị thực hiện các bước thắt chặt tín dụng và kiềm chế đầu tư nếu kinh tế trong nước tăng tốc bất ngờ. IMF dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay, và 6,25% trong năm 2016.

HSBC đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 của Trung Quốc
HSBC đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 của Trung Quốc

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, HSBC hạ mạnh dự báo tốc độ tăng trưởng trong năm nay từ 7,1% xuống còn 4,2%.

Chuyên gia Qu Hongbin giải thích rằng, tình trạng kinh tế tiếp tục yếu ớt sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn nữa trong quý II năm nay. Điểm yếu của nền kinh tế sẽ khiến nửa cuối năm 2015 là thời điểm mà Trung Quốc áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Qu nói thêm để giảm gánh nặng tài chính cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn, Trung Quốc sẽ khởi động việc phát hành trái phiếu của các thành phố.

Được biết, để ổn định tăng trưởng kinh tế, NHTW Trung Quốc đã 3 lần hạ lãi suất cơ bản kể từ tháng 11 năm 2014. Định chế này cũng đã hai lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng thương mại, lần lượt vào tháng 2 và tháng Tư.

Theo IMF, nếu các số liệu về tình hình kinh tế Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng có khả năng vượt quá 7%, Bắc Kinh nên tận dụng cơ hội đó để nhanh chóng giảm những “vấn đề dễ tổn thương” của nền kinh tế. Ngược lại, nếu nhịp độ tăng trưởng có xu hướng giảm xuống dưới 6,5%, thì các chính sách tài chính nên được nới lỏng. 

 

IMF nói rằng các khoản kích thích tài chính, nếu cần được triển khai, nên được tính toán trong giới hạn cho phép của ngân sách, có tính hỗ trợ việc tái cân bằng, và phù hợp với chương trình cải cách. 

IMF cho biết Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nguy cơ phát triển tín dụng và đầu tư không bền vững, và thúc giục chính phủ nước này đẩy nhanh cải cách, bao gồm cả việc nới lỏng kiểm soát để làm cho đồng nhân dân tệ linh hoạt hơn. 
Cơ quan này cũng cho rằng đồng nhân dân tệ mà Mỹ thường chỉ trích là bị thao túng đã không còn bị định giá thấp sau khi đã tăng giá đáng kể trong năm qua.

Song, IMF cho rằng thặng dư thương mại vẫn cao cho thấy Trung Quốc cần có những cải cách hướng tới một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, một đòi hỏi căn bản với một nền kinh tế lớn như của nước này. 

GDP của Trung Quốc trong quý 1/2015 ghi nhận mức tăng trưởng 7%, và các số liệu gần đây cho thấy kinh tế nước này mất đà tăng trưởng khi bước vào quý 2. Điều này làm tăng nguy cơ có thể Trung Quốc không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 7% mà chính phủ đã đề ra cho năm 2015.

Trong khi đó, tờ China Daily số ra ngày 27/5 dẫn lời cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cho rằng, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ không khiến các thị trường lo ngại vì nước này không có nguy cơ “hạ cánh cứng.”

 

Theo ông Bernanke, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc là cần thiết vì nước này cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển bền vững hơn trong dài hạn. 

Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế với tốc độ 10%/năm và nước này thực hiện điều này thông qua việc đầu tư rất nhiều vốn cho các lĩnh vực theo hướng phục vụ xuất khẩu. Và theo ông Bernanke, khi đất nước trở nên giàu có hơn thì kiểu tăng trưởng đó không còn duy trì được nữa.

NM (Theo Bloomberg/Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo