Xã hội

Dự thảo lộ trình tăng học phí đối với các trường công từ năm 2015

Lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2015 đến năm 2018 được nêu rõ trong Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Chính phủ.

Dự thảo Nghị định vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng 27/10.

Theo đó, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước từ năm 2015 đến 2018 được chia thành ba giai đoạn.
 
Cụ thể, đến năm 2015, mức giá được tính đủ chi phí tiền lương của toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức của đơn vị; chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập hoặc hoạt động cung cấp dịch vụ (gồm chi phí vật tư, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện nước, nguyên, nhiên vật liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động giảng dạy hoặc cung cấp dịch vụ.) Năm 2015, giá dịch vụ giáo dục chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định.  
 
Đến năm 2016, ngoài các chi phí được tính như năm 2015, giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước thêm chi phí quản lý chung của đơn vị (gồm chi phí vật tư, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện nước và các chi phí khác phục vụ ban giám đốc, các phòng, ban của bộ phận quản lý hành chính trong đơn vị). Năm 2016 cũng chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định.
 
Đến năm 2018, mức giá tính đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý.
 
Dự thảo cũng nêu rõ, căn cứ đề nghị của sự nghiệp giáo dục, đào tạo và tình hình thực tế, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương (hoặc cơ quan được ủy quyền) quyết định đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện được thực hiện trước lộ trình.
 
Nhà nước quy định mức giá cụ thể hoặc khung giá phù hợp với từng loại dịch vụ giáo dục, đào tạo sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.  
 
Các đơn vị sự nghiệp giáo dục được phân thành ba loại là đơn vị tự chủ hoàn toàn (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển), đơn vị tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên) và đơn vị chưa tự chủ (là các đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo nhiệm vụ giáo dục, đào tạo được cấp có thẩm quyền giao.)
 
Dự thảo quy định cách tính học phí cụ thể với từng loại hình đơn vị giáo dục.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo tự chủ hoàn toàn, được tự quyết định mức học phí nhưng học phí bình quân tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.
 
Học phí đào tạo các ngành cụ thể cao hoặc thấp hơn mức giá đào tạo bình quân tối đa, tùy theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, nhưng bảo đảm mức giá đào tạo bình quân trong trường không vượt quá giới hạn mức giá đào tạo tối đa.
 
Đơn vị đào tạo thực hiện công khai mức giá đào tạo cho người học trước khi tuyển sinh. Nhà nước hỗ trợ đến mức trần học phí do Chính phủ quy định đối với sinh viên là đối tượng chính sách.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo tự chủ, học phí nằm trong phạm vi khung giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Đơn vị sự giáo dục quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thì thu theo mức giá do cơ quan nhà nước quy định.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục chưa tự chủ, trường hợp Nhà nước quy định giá cụ thể, đơn vị thu theo mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp quy định khung giá thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể theo lộ trình tính giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo sự phân cấp của Chính phủ để áp dụng thống nhất.
 
Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo không sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị được xác định giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá.
 
Cùng với quy định về mức giá, Nghị định cũng quy định các nội dung liên quan như thu, chi trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.
 
Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc.. cũng là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định.
 
Vietnam+
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo