Khám phá

Ép học sinh mua sách giáo khoa?

Trong khi cô Phan Lan Phương, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Liên, cho biết trường chưa phát một bộ sách mới nào, nhưng trên thực tế, bộ sách giáo khoa năm học mới đã đến tay phụ huynh và học sinh ở trường.
Dù chưa hết năm học nhưng nhiều trường đã bắt học sinh đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới, khiến nhiều phụ huynh, học sinh phân vân, khó xử.
 
 
Đến thời điểm này nhiều trường tại Hà Nội như THPT Xuân Đỉnh (Tây Hồ), tiểu học Kim Liên (Đống Đa), THCS Đống Đa (Đống Đa), tiểu học Cát Linh (Đống Đa), THCS Xuân La (Tây Hồ)… đã bắt đầu cho học sinh đăng ký mua sách giáo khoa cho năm học mới.

 

Chưa hết năm học đã lo mua sách

 

Tại trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm), học sinh vừa kết thúc kỳ thi học kỳ II còn chưa biết kết quả, nhưng nhà trường đã thông báo đến từng lớp để học sinh đăng ký mua sách giáo khoa.
 
 
Thúy Ninh (THPT Xuân Đỉnh) cho biết: “Trong năm học điểm số không cao nên chỉ hy vọng bài thi học kỳ kéo điểm lên, nhưng em làm bài không được tốt nên cũng lo lắng. Trong khi đó, giáo viên đã thông báo học sinh bắt đầu đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới. Em đang phân vân không biết có nên mua không vì sợ không đủ điều kiện lên lớp”. 
 
 
Còn gia đình anh Đức Chính lại bị động khi thấy cháu Lâm (tiểu học Kim Liên, Đống Đa) khệ nệ mang bộ sách giáo khoa mới về nhà mà chưa được nghe thông báo từ nhà trường.
 
 
Anh Chính bức xúc: “Chiều đi đón cháu đã thấy cháu ôm 1 bộ sách mới lớp 2 làm gia đình giật mình. Bởi lẽ, gia đình chưa nghe thông báo từ phía giáo viên về việc đăng ký mua sách giáo khoa mới và cháu còn chưa thi xong học kỳ. Như vậy, làm sao phụ huynh yên tâm mua sách nhỡ đâu cháu không được lên lớp thì làm thế nào”.
 
 
Anh Chính chia sẻ thêm,  thực ra việc trường bán sách cho học sinh cũng là giúp phụ huynh đỡ gánh nặng nhưng ít ra cũng phải thông báo để phụ huynh không bị động. Thế nào cũng có gia đình đã dự tính cho con học sách của anh, chị hoặc mua sách bên ngoài. Như thế, phụ huynh dù có mua sách cũng không thấy hài lòng.
 
 
Trong khi cô Phan Lan Phương, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Liên, cho biết trường chưa phát một bộ sách mới nào, nhưng trên thực tế, bộ sách giáo khoa năm học mới đã đến tay phụ huynh và học sinh ở trường.
 

Không nên phân tán tâm lý cho trẻ

 

Việc các trường cung cấp sách giáo khoa có thể xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh. Giáo viên một trường ở quận Đống Đa cho biết trường có hẳn một ban để lo  sách giáo khoa năm học mới.
 
 
Ông Trần Xuân Đình, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng, cho biết thời gian cuối năm khi học sinh đang ôn tập chưa thi hết học kỳ thì không nên để học sinh phân tán mà để học xong trường tổ chức cung cấp sách sẽ hay hơn.
 
 
Thực tế, hầu như các trường tiểu học hoặc THCS đều 100% được lên lớp trừ khi có học sinh cá biệt. Các cấp học đó như phổ cập nên học sinh đều lên được lớp hết.
 
 
Do vậy, việc đăng ký sách giáo khoa cứ để từ từ, học xong rồi cho phụ huynh đăng ký chứ không cần phải vội đỡ mệt mỏi cho phụ huynh và phân tán tư tưởng học sinh vì năm cũ chưa xong lại phải nghĩ đến năm học mới.
 
 

Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, cho rằng khi các trường liên kết với Nhà xuất bản để phân phối sách giáo khoa thì việc định hướng đọc cho học sinh sẽ tốt hơn. Giáo viên sẽ biết sách tham khảo nào giúp ích cho học sinh, vì sách tham khảo hiện nay có rất nhiều nên khi học sinh chọn sách rất khó.

 

Ngay cả sách giáo khoa cũng có nhiều cửa hàng bán sách lậu. Tuy nhiên, chưa kết thúc học kỳ mà đã phát sách cho học sinh thì không ổn. Nên việc đăng ký sách có thể lui thời gian đến khi học sinh biết kết quả học tập hoặc họp ban phụ huynh.

 

Tuy việc ở lại lớp đối với tiểu học là điều khó xảy ra nhưng nếu có học sinh nào mà học quá kém và giáo viên là người biết rõ thì có thể khuyên học sinh không nên mua. Hoặc sửa đổi bằng cách những học sinh học kém hoặc có khả năng ở lại lớp thì có thể được trả lại sách và trường vẫn phải nhận số sách đó.

 

 

Theo GDVN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo