Hỗ trợ doanh nghiệp

FTA Việt Nam - EEU: Doanh nghiệp không thể chủ quan

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) được kỳ vọng sẽ tạo cú hích giúp hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường Nga, Belarus và Kazakhstan. TG&VN đã phỏng vấn với ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương để làm rõ thêm về quá trình đàm phán, triển vọng hợp tác kinh tế cũng như những lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương.

Theo dự kiến, FTA giữa Việt Nam và EEU sẽ được ký kết trong tháng 5/2015. Xin ông cho biết nỗ lực của hai bên trong quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định?

Tôi đánh giá đây là một thành tựu lớn, thể hiện nỗ lực cao của hai bên trong quá trình đàm phán. Hiệp định có thời gian đàm phán có thể nói là nhanh nhất trong các FTA, nếu không muốn nói là "nhanh nhất thế giới". Chúng ta mới bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 3/2013 nhưng vào tháng 12/2014 đã cơ bản kết thúc.

So sánh với các FTA khác hiện nay trên thế giới đang được đàm phán, ví dụ như FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Singapore, dù được đánh giá là tương đối dễ dàng nhưng cũng kéo dài đến ba năm, đến nay vẫn chưa ký kết được.

Riêng về phía Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các thành viên đoàn đàm phán cũng như sự tích cực, nhanh nhạy và có trách nhiệm của các Bộ, ngành khi tham gia đàm phán. Sở dĩ chúng ta thành công trong các cuộc đàm phán phần lớn là nhờ chúng ta đã có quá trình chuẩn bị rất tốt. Trước khi bước vào quá trình đàm phán, chúng tôi đã dành gần ba năm để nghiên cứu về tính khả thi của Hiệp định.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên khi Hiệp định được ký kết?

FTA giữa Việt Nam và EEU được ký kết sẽ mở ra nhiều triển vọng về hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. Hiệp định sẽ mang lại sự giảm thuế đáng kể khi một loạt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta đều được cắt giảm về 0%. Đặc biệt là ngành thủy sản, 100% các mặt hàng thủy sản của chúng ta sẽ được cắt giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong cáchiệp định chúng ta đàm phán trước đây và trong những hiệp định còn đang đàm phán, chúng ta chưa bao giờ đạt được điều này.

Phía EEU cũng đánh giá cao vị trí "cửa ngõ vào châu Á" cũng như những hoạt động tích cực của Việt Nam trong ASEAN. Việc ký FTA với Việt Nam sẽ mở ra rất nhiều triển vọng cho EEU, Ngoài lĩnh vực xuất khẩu, cơ hội cũng rộng mở đối với ngành đầu tư, dịch vụ. Về tổng thể, Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Những tiềm năng trước mắt là rất lớn.

Dư luận gần đây lo ngại về việc ngành thép Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi nếu FTA Liên minh Á - Âu được ký kết? Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng là khi Hiệp định đang được đàm phán thì cũng đã có luồng dư luận như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đã xử lý hết sức nghiêm túc. Trong khối ngành công nghiệp, có lẽ Hiệp hội thép và ngành thép là một trong những hiệp hội, ngành nghề mà chúng tôi tham vấn nhiều nhất. Trong quá trình tham vấn, chúng tôi đã làm rõ những vấn đề khiến dư luận cho rằng Hiệp định có thể có những tác động xấu đối với ngành thép Việt Nam. Chúng tôi đã phân tích rất kỹ những dòng thuế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thép và đưa ra các phương án đàm phán đảm bảo được lợi ích của ngành thép, giữ được dòng thuế cho các chủng loại, sản phẩm thép nhạy cảm đối với sản xuất ở nước ta.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với những rào cản và khó khăn gì tại thị trường EEU khi FTA có hiệu lực?

 Để tận dụng được tốt những cơ hội từ Hiệp định, chúng ta sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại. Rào cản truyền thống đối với thị trường này vẫn là vấn đề kiểm dịch, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, các rào cản về hải quan, thanh toán… Trước đây, chúng ta từng gặp nhiều khó khăn với hàng rào kiểm tra chất lượng khi xuất khẩu thủy sản sang Nga. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Cần có sự chung tay giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để cùng vượt qua rào cản này.

Hiệp định có hiệu lực chắc chắn sẽ tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Số lượng đơn đặt hàng sẽ lớn hơn rất nhiều. Việc quản lý các đơn đặt hàng lớn làm sao cho hiệu quả là cả một vấn đề lớn trong tương lai chúng ta phải đối mặt.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu với lượng hàng lớn sang các thị trường nước bạn, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm tương tự từ các nước khác. Trước đây, sự hiện diện của chúng ta không lớn vì chúng ta chỉ xuất khẩu với lượng hàng nhỏ nhưng khi xuất khẩu với khối lượng lớn thì sự hiện diện của chúng ta cũng rõ ràng hơn rất nhiều.

Ngược lại, đối với thị trường trong nước, chúng ta sẽ gặp những thách thức từ các sản phẩm nhập khẩu từ phía bạn. Các nước trong EEU sức sản xuất còn tương đối thấp nên trong vòng ba, năm năm tới, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn họ về xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan. Nếu không thực sự cải tiến về năng suất, chất lượng thì chúng ta vẫn gặp khó khăn khi cạnh tranh với bạn ngay trên sân nhà.

Đánh giá của ông về sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam?

FTA Việt Nam - EEU là một trong những FTA chúng tôi tham vấn ý kiến doanh nghiệp nhiều nhất. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tham vấn những kiến thức cần thiết để đảm bảo đầy đủ lợi ích của phía Việt Nam. Rất nhiều nội dung chúng tôi có cơ sở để đàm phán với doanh nghiệp bạn cũng là nhờ kiến thức từ doanh nghiệp ta.

So sánh với thời điểm trước đây khi mới gia nhập WTO, hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế đã có tiến bộ và cải thiện rõ rệt. Việc tìm hiểu thông tin, tham gia vào quá trình tham vấn cho các Bộ, ngành về nội dung đàm phán tích cực hơn rất nhiều.

Lời khuyên của ông dành cho các doanh nghiệp?

Thị trường EEU vẫn được đánh giá là thị trường không khó tính. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật của họ cũng có nhiều điểm đặc biệt, cần lưu ý. Vì vậy, doanh nghiệp hãy cần chủ động tìm hiểu kỹ thị trường vì mỗi thị trường lại có đặc điểm riêng. Người xưa có câu "biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng", tôi nghĩ câu nói đó cũng rất đúng trong thương mại. Nếu muốn chiến thắng ở một thị trường, chúng ta phải tìm hiểu rất rõ về thị trường ấy.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý. Những nước trong EEU phần lớn là những nước sử dụng tiếng Nga nên việc thông thạo tiếng Nga sẽ giúp các doanh nghiệp thành công ở thị trường này.

Theo TGVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo