Xã hội

Gần 600 ca cấp cứu trong 4 ngày nghỉ

Trong 4 ngày nghỉ, mỗi ngày BV Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận gần 150 ca cấp cứu, trong đó gần 70% là do TNGT, nhiều trường hợp do sử dụng rượu bia. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sởi, tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong những ngày nghỉ lễ.

 20-30 ca mổ cấp cứu/ngày

PGS.TS Hoàng Long, trưởng ca trực cấp cứu BV Việt Đức ngày 4/5 cho biết phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, đa chấn thương hoặc chấn thương sọ não.
 
Đáng chú ý là 2 ca tai nạn giao thông đặc biệt với các nạn nhân là những chiến sĩ công an giao thông được chuyển đến từ Hà Nam và Sơn La, trong đó nạn nhân nặng nhất là thượng úy Lê Minh Tuấn - cán bộ Đội tuần tra dẫn đoàn Phòng CSGT Công an TP Hà Nội bị thương ngày 3/5 trên đường đi khảo sát đường dẫn phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak 2014 từ Ninh Bình trở về Hà Nội.
 
Nhiều ca cấp cứu trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 là do TNGT (Ảnh minh họa: V.Đ.T.)
 
Bệnh nhân Tuấn nhập viện với đa chấn thương như chấn thương sọ não, hàm mặt, gãy xương cẳng chân, chấn thương vùng bụng. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi đặc biệt sau ca phẫu thuật.
 
Cũng trong chiều 4/5, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã đến BV Việt Đức hỏi thăm, động viện các cán bộ chiến sĩ công an trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 1/5 khiến 6 người thương vong khi đang trên đường lên Điện Biên làm nhiệm vụ.
 
Tại khoa Chấn thương của BV Việt Đức (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 60-70 bệnh nhân, trong đó phần lớn là thanh niên với nhiều ca có nồng độ cồn trong máu. Các phòng mổ của BV này cũng hoạt động hết công suất với trung bình 20-30 ca mổ cấp cứu/ngày.
 
Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 đến 4/5), cả nước xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông, làm chết 117 người, bị thương 151 người, tính trung bình mỗi ngày xảy ra 45 vụ TNGT làm 23 người chết và 30 người bị thương.
 
5 ngày lễ thêm 246 bệnh nhân sởi
 
Bộ Y tế cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 đến 4/5) ghi nhận 246 trường hợp xác định dương tính với sởi, trong đó số mắc trong các ngày nghỉ không có đột biến mà tương đối đồng đều (ngày thấp nhất 47 ca mắc, cao nhất 52 ca).
 
Riêng trong ngày 4/5 cả nước ghi nhận thêm 48 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.030 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.661 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.
 
Trong 5 ngày nghỉ đã ghi nhận thêm 246 trường hợp dương tính với sởi (Ảnh: V.Đ.T.)
 
Tính đến ngày 4/5, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 85,3% với 18 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao trên 95%. Hiện Hà Nội đang tiến hành điều tra, thống kê, lập danh sách xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi.
 
Trong những ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở nhiều nơi như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, … Bộ Y tế cũng tổ chức trực dịch 24/24 giờ tại tất cả các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dịp ngày nghỉ lễ.
 
Trong khi đó, dịch tay chân miệng cũng đang có những diễn biến phức tạp. Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2014 đến nay Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc với 2 trường hợp tử vong.
 
Mặc dù số mắc và tử vong có giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như TP.Hồ Chí Minh tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum và Đắk Lắk.
 
Điều đáng ngại là hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế lo ngại dịch có thể diễn biến phức tạp trên diện rộng.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo