Góc nhìn

Giá lúa gạo tăng: DN xuất khẩu, thương lái và nhà bán thuốc bảo vệ thực vật hưởng lợi

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: "Chuỗi giá trị của sản xuất lúa gạo Việt Nam rất tiếc đến thời điểm này bị tháo ra nhiều khoen, không ráp lại được. Khi giá lúa gạo tăng, người hưởng lợi nhiều nhất lại là những công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất phân bón rồi tới doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái".

Rất nhiều con số cụ thể được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”, do Viện  Chính  sách  và  Chiến  lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện. Từ đó đã chỉ ra một thực tế rằng: Nông dân Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá gạo, mà cụ thể là chỉ được hưởng khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

Lợi nhuận rơi vào ai?  

Trả lời xung quanh câu hỏi "Vậy ai là người được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng?", GS.TS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng lúa nói: "Tôi thấy báo cáo có mức chính xác tổng quát, nó đã toát lên được người nông dân chưa có được hưởng lợi khi bỏ ra công khó của mình để làm ra hạt gạo. Cụ thể, người nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu, chúng ta cũng thấy đánh giá mức 30% mà Thủ tướng đề ra, giao cho các DN làm thế nào để người nông dân Việt Nam có thể đạt được, thì rõ ràng trong báo cáo này cho thấy không đạt được. Nông dân càng trồng giống lúa cao sản thì mức lợi càng xuống thấp.

GS.TS Võ Tòng Xuân.

Chuỗi giá trị của sản xuất lúa gạo Việt Nam rất tiếc đến thời điểm này bị tháo ra nhiều khoen, mạnh ai nấy làm. Một anh lo làm khuyến nông, khuyến khích, chỉ đạo giống lúa cho nông dân, nhưng không mua; anh bán thuốc, bán phân thì lo hô hào nông dân mua dùng...

Còn người nông dân nghe chỉ đạo là vậy, nhưng họ biết là không mua nên tự mình lo. Cái bất hạnh nhất của người nông dân là DNXK không bao giờ tiếp xúc với mình mà chỉ "chơi" với thương lái. Họ có 1001 lý do để giải thích, biện minh cho việc này.

Thêm nữa, khi người nông dân tính trồng gì vào mùa tới thì họ chỉ tính, chỉ quan tâm đến thương lái muốn mua giống gì. Do đó 100 ông nông dân, thì có tới 10-20 giống lúa. Khi nông dân thu hoạch, thương lái mua rất nhiều giống, trộn lại, bán qua cho DNXK.

Trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu lại không quan tâm đến nông dân bởi họ không mua trực tiếp lúa gạo của người dân mà thông qua thương lái. Lãnh đạo của những doanh nghiệp xuất khẩu được gọi với cái tên vui là “cán bộ ca-táp” vì họ ngồi trong phòng máy lạnh, nghỉ trong khách sạn và ra lệnh cho thương lái thu mua lúa gạo xuất khẩu. 

Thực hiện qua các chuỗi đó, thì khi tới người nông dân, lợi nhuận không còn bao nhiêu cả. Người hưởng lợi nhiều nhất lại là những công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất phân bón rồi tới doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái".

Hàng trăm thương lái thu mua lúa với hàng chục giống lúa khác nhau bán lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì làm sao có được một loại gạo đặc sản để bán được giá cao? - GS.TS Xuân đặt câu hỏi.

GS Xuân cũng đưa ra dẫn chứng về chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các trung gian và DNXK được hưởng, trong khi họ phải bỏ ra tới 70% chi phí sản xuất. Với quy mô hộ nhỏ manh mún, thời điểm thu mua khác nhau cộng với vận chuyển khó khăn, các DNXK không thể thu mua trực tiếp từ các hộ. Chính vì vậy, lợi nhuận phải chia cho các thương lái trung gian.

Nông dân Việt Nam chỉ được hưởng khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

Gỡ khó bằng cách nào?

Qua tham luận tại buổi báo cáo, GS.TS Xuân cho biết: Có một nghịch lý mà báo cáo chưa chỉ ra được là bản thân người nông dân cũng đã tự đưa họ vào thế bất lợi. Phần lớn bà con nông dân khi tiến hành sản xuất luôn dựa vào kinh nghiệm của mình, không thấy và hiểu được những cơ sở khoa học.

Các biện pháp kỹ thuật cao như Gap, VietGap, các nhà khoa học thiết kế ra để cho người nông dân trồng như thế nào để đạt được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi bán ra sản phẩm thu được lợi nhuận, thị trường không trả lại thì người nông dân không áp dụng. Trong quá trình canh tác, cộng với việc sử dụng thuốc BVTV quá nhiều, họ phải tốn kém nhiều, giá thành sản xuất 1kg lúa của họ cao hơn nhiều so với cách làm tại các cánh đồng mẫu lớn, theo đúng mô hình liên kết như ở Đồng Tháp....Do đó, họ thường xuyên chịu lỗ.

Một trong những việc cần làm bây giờ chính là tăng cường liên kết, chuỗi giá trị gắn liền giống lúa với đồng ruộng sản xuất, nông dân gắn liền với nhau trong hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn của hợp tác xã gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo...Cần có sự hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Làm được như vậy thì sẽ từng bước khống chế doanh nghiệp, khống chế thương lái.

Điều cần nữa là phải có nhiều những DNXK có tâm, cố gắng làm kết hợp với người nông dân để đẩy mạnh chuỗi lợi nhuận, giúp cho ngành xuất khẩu lúa gạo phát triển bền vững. Hệ thống hợp tác xã cũng cần được chỉ đạo tốt hơn để có thể đưa cơ chế của Chính phủ đến người nông dân.

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo