Pháp luật

Giải quyết vấn nạn phân bón giả: Chủ yếu vẫn là tự vệ!

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 cả nước cần khoảng 9,9 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khả năng sản xuất trong nước là 7,25 triệu tấn.

Trên thực tế sản xuất nông nghiệp gắn chặt và chịu tác động rất lớn của thị trường phân bón, nhưng tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường thời gian qua đã và đang khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Đến “đại gia” cũng nhầm…

 

Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm Cục xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Các vi phạm chủ yếu là phân bón kém chất lượng, làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn…

 

Đầu năm 2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện 5 cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Gần đây nhất (ngày 28/3/2012), cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu 1,15 tấn phân Kali giả tại một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp huyện Hòa Bình.

 

Những thông số trên chỉ phản ánh một phần cực nhỏ so với thực tế phân bón giả đang tồn tại trên thị trường vì vậy khả năng phát hiện, xử lý tránh sử dụng hàng giả là điều không dễ dàng cho bất cứ ai, đặc biệt là nông dân.

 

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cũng chua xót chia sẻ, mới đây công ty đã mua nhầm 500 tấn phân nguyên liệu giả từ Trung Quốc, khi kiểm tra mới biết bên trong toàn là muối.

 

Điều này cho thấy, ở tầm cỡ Tập đoàn có công nghệ hiện đại, có chuyên gia lành nghề, thậm chí có cả nhà khoa học còn bị nhầm thì những người trực tiếp sử dụng phân bón hầu như bó tay trước hàng giả.

 

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn.

 

Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty phân bón Hiếu Giang bức xúc: mới đây Hiếu Giang đã phát hiện ra một cơ sở sản xuất giả các sản phẩm Betta của mình tại Long An.

 

Theo ông Đức, để sản xuất được đất sạch mang nhãn hiệu Bette, Hiếu Giang phải đầu tư nghiên cứu sử dụng chất xám của nhà khoa học mới tạo ra được, trong khi hàng giả chỉ cần tro trấu và cuốc xẻng cũng làm được.

 

Tự vệ là chính!

 

Trước vấn nạn phân bón giả, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) đã phối hợp với các đơn vị Trung tâm Khuyến nông, Vụ Khoa học và Công nghệ… mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng và những tác hại do chúng gây ra.

 

Tuy nhiên, người nông dân vì ham rẻ hoặc mua phân bón ở những địa chỉ không rõ ràng, hoặc quá tin vào những lời hướng dẫn, giới thiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón nên vẫn mua phân bón kém chất lượng về sử dụng.

 

Trong khi đó, khả năng tự vệ của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ta còn chưa cao nên tình trạng phân bón giả tràn lan đang trở thành vấn nạn nhức nhối cho cả nhà sản xuất lẫn người sử dụng phân bón. Đặc biệt, mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay quá thấp, chỉ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm, khiến cho đối tượng thường xuyên tái phạm.

 

“Khi sản phẩm bị làm giả, các doanh nghiệp chủ yếu gửi thông báo tới các đại lý, khách hàng khuyến cáo người tiêu dùng hàng bị làm giả và cách loại trừ. Mặt khác nhờ cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc xử lý, sau đó thông qua phương tiện truyền thông thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng. Phương thức này là cách nhiều doanh nghiệp chọn mặc dù rất dài hơi, mệt mỏi, tốn kém nhưng không còn cách nào khác”, ông Đức cho biết.

 

Về phía Tập đoàn Quốc tế Năm Sao để khắc phục tình trạng trên đã thành lập Hội đồng khoa học gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phân bón, nghiên cứu thổ nhưỡng, sinh hóa của Việt Nam như GS - TS Võ Tòng Xuân, GS Nguyễn Lân Hùng, PGS – TS Mai Thành Phụng…

 

Hội đồng khoa học ra đời nhằm giúp công ty nâng cao khả năng tự phòng vệ trước vấn nạn phân bón giả bằng việc thực hiện công tác nghiên cứu các dòng sản phẩm phân bón mới phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng mọi yêu cầu về kỹ thuật cây trồng nông nghiệp Việt Nam.

 

Đặc biệt là việc tích cực đưa các ứng dụng thành tựu khoa học mới vào phục vụ sản xuất phân bón nhằm giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng.

 

Về phía người trồng trọt, nhiều năm nay rất nhiều vụ mùa năng suất sụt giảm chỉ vì sử dụng phân bón giả. “Ăn đòn nhiều rồi đến lúc cũng phải tự khôn ra”, kinh nghiệm hay nhất của người nông dân là cam kết với đại lý nếu mua nhầm phải phân bón giả thì đại lý phải chịu trách nhiệm và ngày càng “nói không” với các loại phân bón trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

 

Tuy nhiên ở những vùng sâu vùng xa thì không mấy ai được làm người tiêu dùng thông minh như thế, chủ yếu thấy rẻ và tiện thì mua nhưng đến khi sử dụng mới biết thật giả.

 

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, ngoài kết hợp khoa học ứng dụng vào sản xuất phân bón, cũng nên có sự liên kết của 4 nhà, bao gồm: Nhà nước, nhà khoa học,doanh nghiệp và nhà nông để xây dựng chuỗi sản xuất giá trị.

 

Cụ thể, đi từ cây giống, phân bón, trồng trọt và thu hoạch. Làm như vậy, cụm chuỗi giá trị sẽ liên lạc những điểm bán phân có chất lượng, sau đó chuyển giao cho người nông dân. Khi đó, người nông dân sẽ biết đâu là nơi bán phân bón tốt, đồng thời mua được giá tốt hơn.

 

 

Theo Công Thương

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo