Chân dung

Giám đốc làng và giấc mơ ra biển lớn

Sở hữu khoảng 30.000 con cá sấu, anh Hiếu là một trong những chủ trại cá sấu lớn nhất cả nước. Nhưng điều mà chưa ai làm được ngoài anh là bản hợp đồng xuất khẩu đến 50.000 con cá sấu mỗi năm

Nhân vật mà chúng tôi nhắc đến ở đây là anh Trần Ngọc Hiếu- Giám đốc Công ty Vương Thảo. Công ty đặt tại thôn Hoá Tài, xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). Ngoài “chức”. giám đốc ra, anh còn được mọi người gọi bằng cái tên quen thuộc: Hiếu “cá sấu”. Hiếu cũng là một hội viên năng động của Hội Nông dân Thái Bình.

 

Mê nghề cá sấu

 

Sau tuần trà vặt, Hiếu dẫn chúng tôi đi thăm trại cá của mình. Trại cá của Hiếu nằm ở rìa làng, sát với Quốc lộ 10, rộng chừng 10.000m2. “Nếu mở trại trong làng, xe container vào lấy hàng phá nát hết đường, dân họ không nghe” - Hiếu giải thích về lý do chọn địa điểm của trại cá.

 

Trại cá của Hiếu được chia ra nhiều phân khu. Khu cá bố mẹ được nuôi theo kiểu hoang dã với hàng chục con nặng cả tạ. Khu kế tiếp là nơi nuôi cá con, cá thương phẩm; chuồng nào cũng đầy cá. Phía ngoài là khu vực “hậu cần”. Ngoài ra, anh dành một khu ao dựng nhà hàng nổi, chủ yếu để thử nghiệm bán thịt cá sấu cho khách đến đặt mua hàng.

 

Để xây dựng được trại nuôi cá sấu rộng như bây giờ, Hiếu đã phải trải qua không ít khó khăn. Sinh năm 1960, trong gia đình có 6 anh em, học hết cấp 3 anh vào quân ngũ. Nhưng do sức khoẻ yếu, nhà đông anh em nên đành bỏ dở giấc mơ binh nghiệp. Thế là Hiếu quyết định “nằm nhà”, lăn lộn làm đủ thứ nghề, từ trồng khế, cây cảnh, đến nuôi nhím, kỳ đà, ba ba... để nuôi các em và xây dựng gia đình.

 

Làm ăn tạp nham mãi cũng chán, cuối cùng, trong cái đám “kỳ cây, dị vật” đó, anh thấy “đậu” được con cá sấu. Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến thăm Thảo Cầm Viên (TP.HCM). Vốn yêu thích việc chăn nuôi nên nhìn thấy cá nằm trong công viên là anh “kết” ngay. Ban đầu, anh mua 7 con về làm giống và nuôi ngay trong nhà… cho vui. Dần dà, anh phát hiện, dân mình vốn quen nhậu đồ lạ, chuộng món cá sấu. Đến năm 2006, thấy có thể phát triển quy mô lớn, anh lập trang trại nuôi loài cá dữ này.

 

Bản hợp đồng quyết định

 

Khi cá sấu lớn, anh lo nhất là đầu ra. Bán dạo quanh Thái Bình, thậm chí ngay cả các địa bàn lân cận cũng không sao tiêu thụ hết số lượng, Hiếu nghĩ cách lập một trang web làm kênh quảng bá, bán hàng. Chẳng bao lâu, lượng khách đặt mua hàng qua mạng ngày một nhiều.

 

Thời gian đầu, chủ yếu là nông dân đến mua giống về nuôi. Thấy chiều hướng khả thi, anh âm thầm tìm kiếm đầu ra quy mô lớn cho cá sấu thương phẩm. Bắt đầu từ một vài mối khách từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, anh tổ chức các đoàn khách tham quan của Trung Quốc về trang trại. Từ đó, những chuyến xe chở cá sấu được chuyển lên biên giới rồi sang nước bạn.

 

Nhưng bán cá qua đường tiểu ngạch chỉ dừng lại ở số lượng ít, nhiều rủi ro. Việc cần nhất là anh phải có được một bản hợp đồng lớn bằng đường chính ngạch. Nhưng việc xuất khẩu chính ngạch rất khó, nhất là với cá sấu thuộc động vật hoang dã, xuất khẩu phải theo công ước quốc tế... Không có kinh nghiệm, anh hỏi thẳng một đối tác: “Bên ông nhập khẩu cần những gì, cứ nói tôi biết để làm”.

 

Sau đó, anh lọ mọ lên Internet tìm hiểu, ai biết gì, anh hỏi nấy. Anh còn thuê hẳn một phiên dịch người Trung Quốc về làm với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Từ đó, anh mới biết “mặt mũi” cái giấy kiểm dịch quốc tế như thế nào, giấy chứng nhận động vật hoang dã được nuôi ra sao.

 

“Nhập khẩu bằng đường chính ngạch, đến cái thùng gỗ đựng cá còn phải tiệt trùng. Nếu không được các cơ quan chức năng hướng dẫn khó mà qua được”, Hiếu nói. Hơn 1 năm chuẩn bị, thương thảo, cuối cùng anh đã ký được hợp đồng với đối tác Trung Quốc với số lượng đến 50.000 con/năm.

 

Từ đó đến nay, anh đã xuất được nhiều chuyến hàng sang Trung Quốc, mỗi chuyến hàng nghìn con. Buôn bán nhiều, kinh nghiệm tích lũy theo thời gian, Giám đốc Hiếu cho biết: “Với những người “buôn bán giỏi nhất thế giới” như Trung Quốc, họ muốn mua toàn bộ cá sấu nhỏ dưới 30kg để lấy được nhiều da cá sấu hơn so với mua con to. Nhưng để tránh bị thiệt, phải thương thảo bao nhiêu phần trăm cá nhỏ, bao nhiêu phần trăm cá lớn ngay từ khi nhận đơn hàng”.

 

Ông “bầu” của nông dân

“Ai từng nuôi cá sấu, hoặc quan tâm đến việc nuôi trồng các loại cây, con được coi là hiếm, đặc sản mới thấy hết được ý nghĩa của khâu tiêu thụ sản phẩm. Như thời kỳ hưng thịnh nhất của việc nuôi dế, những ông chủ đánh ô tô đi bán giống lãi hàng tỷ đồng; còn nông dân thì nuôi dế ra bán không ai mua, đổ hết cho lợn ăn” - Hiếu tiếp tục chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.

 

Theo anh Hiếu, với con cá sấu cũng vậy, nếu chỉ chăm chăm khuyếch trương bán giống, thì có thể thu lãi to nhưng người nông dân sẽ thua cay đắng, do nuôi mà không có đầu ra. Như thế mình tuy lãi, nhưng lại làm hại bao người. Đó cũng là lý do chính anh cất công ngày đêm để kiếm được bản hợp đồng xuất khẩu cá sấu lớn.

 

Hiện nay, do đơn hàng lớn nên anh tổ chức cho khoảng 300 hộ gia đình làm vệ tinh nuôi cá sấu cho anh ở nhiều tỉnh ở miền Bắc như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh... Tổng số lượng anh đặt hàng nông dân nuôi lên đến 30.000 con/năm.

 

Để mở rộng địa bàn, ban đầu, anh hỗ trợ nông dân bằng việc cấp giống, cho vay vốn để xây chuồng trại, mua thức ăn cho cá... Nhưng sau một thời gian anh nghiệm ra rằng, khi người nông dân không phải bỏ tiền của mình ra, họ sẽ không chăm chút.

 

Vì thế, anh đã thay đổi phương thức hỗ trợ, tức chỉ bán giống có bảo hành và nhận bao tiêu cá với giá cả hợp lý cho nông dân. Với khoảng 200 triệu đồng tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, chăm chút, một nông dân nuôi cá cho anh có thể kiếm được 100 triệu đồng/năm.

 

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo