Xã hội

Giám đốc Sở Y tế lại tiếp tục không chấp hành chỉ đạo Tỉnh ủy

Chiều ngày 15-10, ông Nguyễn Đồng Thông- Gíam đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo thông tin các vụ việc liên quan đến việc bà Trần Thị Kiều Oanh, dược sĩ (DS) tại Phòng giám định y khoa (GĐYK) - Sở Y tế tỉnh Bình Phước- bị sa thải do tố cáo các tiêu cực của lãnh đạo phòng và cán bộ Sở Y tế .

Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng đã mời đại diện một số sở ngành của tỉnh Bình Phước tham gia họp báo. Có khoảng 20 phóng viên các báo đã đến dự và đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc sa thải DS Oanh. Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Đông Thông- giám đốc Sở Y tế tỏ ra khá lúng túng trước các câu hỏi của phóng viên các báo. Cuộc họp báo diễn ra gần 1 giờ đồng hồ nhưng sau hàng loạt câu hỏi của các báo Lao Động, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM, Người Lao động …  lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Phước đề nghị dừng cuộc họp và yêu cầu các báo gửi câu hỏi sau để lãnh đạo Sở Y tế trả lời.

Suốt 1 giờ họp báo, giám đốc Sở Y tế Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm việc ông Đoàn Đức Loát- Trưởng Phòng giám định y khoa (GĐYK) - Sở Y tế tỉnh Bình Phước ra quyết định sa thải bà Oanh là đúng thẩm quyền. PV Báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi vì sao Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Phước kết luận ông Loát là người bị tố cáo có tiêu cực lại đứng ra chủ trì cuộc họp để xử lý người tố cáo là không quy định (theo khoản 47.3, Điều 32, Quy định 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban chấp hành Trung ương quy định: “Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân”.
 
 
 Kết luận của UBKT Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị thu hồi quyết định sa thải DS Oanh.
 
Ông Thông cho biết: BS Loát chủ trì họp kỷ luật và ra quyết định kỷ luật DS Oanh là đúng thẩm quyền. Bởi ông Loát nhân danh thủ trưởng đơn vị và đại diện cho tập thể phòng chứ không mang tính cá nhân ông Loát!
 
Về việc bà Oanh tố cáo ông Loát có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, nhận tiền hối lộ của người đến giám định. Ông Thông trả lời báo chí rằng, có vài người sau khi giám định có mua trái cây, nước uống đến biếu cho nhân viên giám định chứ không có dấu hiệu cán bộ vòi vĩnh. Chưa đủ cơ sở để kết luận ông Loát và một số nhân viên có hành vi tham nhũng…
 
Ông Thông cho biết, việc ông Loát ký công văn xin tiền các công ty cao su trên địa bàn tỉnh tổng cộng 54 triệu đồng là để chi chung cho đơn vị. Không có cơ sở kết luận ông Loát tư lợi. Dù ông Thông trả lời như vậy là đã quên rằng trước đó Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo các đơn vị không được xin tiền Doanh nghiệp.
 
Các báo cũng đặt vấn đề việc lãnh đạo Sở Y tế có bất chấp, phớt lờ chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy về việc thu hồi quyết định sa thải trái luật DS Oanh, đồng thời kỷ luật các cá nhân liên quan đến sai phạm? Ông Nguyễn Đồng Thông- giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Sở không phớt lờ chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy, Sở chỉ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh thôi, việc này UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo rồi. Sở không làm gì sai cả. Các cán bộ không có tư lợi nên chỉ phê bình, rút kinh nghiệm” Câu trả lời của ông Thông khiến các báo tiếp tục đặt câu hỏi về thái độ trên chỉ đạo dưới không nghe tại Sở Y tế,. tuy nhiên ông Thông bảo đã hết thời gian họp báo và hứa sẽ trả lời sau khi các báo gửi câu hỏi đến Sở Y tế. Như vậy đã hơn 10 tháng qua, các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đề nghị giải quyết dứt điểm, thu hồi quyết định sa thải trái luật đối với bà Oanh vẫn chưa được Sở Y tế tỉnh Bình Phước thực hiện.
 
Trước đó, ngày 14-8, Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã thông tin, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước đã giao lãnh đạo UBND tỉnh này chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật đúng với mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ sa thải trái pháp luật đối với bà Trần Thị Kiều Oanh, dược sĩ (DS) tại Phòng giám định y khoa (GĐYK) - Sở Y tế tỉnh Bình Phước. Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, giải quyết nội dung khiếu nại quyết định sa thải của trưởng phòng GĐYK tỉnh theo đúng quy định pháp luật. Sau khi giải quyết dứt điểm vụ việc DS Oanh, UBND tỉnh Bình Phước phải mời báo chí họp để thông tin cụ thể việc xử lý.
 
Liên quan đến vụ việc này, trước đó Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Y tế tỉnh thu hồi quyết định sa thải trái luật. Đồng thời, Sở Y tế phải làm lại quy trình xử lý vụ việc theo quy định, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân tại phòng GĐYK liên quan những sai phạm mà DS Oanh tố cáo đúng. Trong khi đó, vào tháng 12-2013, UBKT Tỉnh ủy đã có báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước về vụ sa thải sai đối với DS Oanh. Theo UBKT Tỉnh này, về thẩm quyền xử lý vụ việc DS Oanh, UBKT Tỉnh ủy kết luận, theo quy định 45-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân”. Theo đó, bản thân ông Đoàn Đức Loát- Trưởng phòng giám định y khoa (là người bị tố cáo) lại chủ trì xử lý kỷ luật (sa thải) người tố cáo- DS Oanh.
 
Tiếp đó, việc sa thải bà Oanh theo Luật Lao động là sai. Theo UBKT Tỉnh ủy Bình Phước, các trường hợp để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải không có quy định “hành vi tố cáo sai sự thật” như quyết định của Phòng giám định y khoa (GĐYK) sa thải DS Oanh. UBKT Tỉnh ủy kết luận, phòng GĐYK kỷ luật sa thải bà Oanh là không đúng về thẩm quyền xử lý và nội dung hình thức kỷ luật.
 
Như Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh, trong tháng 5 và tháng 7-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần có ý kiến chỉ đạo báo cáo, giải quyết vụ việc dược sĩ Oanh. Lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cũng đề nghị xử lý nghiêm, bảo vệ người tố cáo…Trước đó, DS Oanh đã tố cáo các tiêu cực, tham nhũng của BS Loát và một số nhân viên phòng này như nhận tiền, quà của người bệnh, xin tiền của các công ty cao su để chia nhau ăn tết... Ngoài ra, năm 2011 từ việc bản thân DS Oanh tố cáo việc ngành y tế tỉnh Bình Phước không ký hợp đồng lao động đúng luật, phụ cấp ưu đãi nghề trong toàn ngành bị cắt. Từ tố cáo này, Sở y tế đã khắc phục việc ký sai hợp đồng lao động với hàng ngàn lao động trong ngành y tế tỉnh và các lao động được truy lĩnh phụ cấp ưu đãi nghề.
Pháp luật TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo