Xã hội

“Giấu” kết luận thanh tra là “làm khó” việc chống tham nhũng

“Công thức được thừa nhận là: tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin - trách nhiệm giải trình. Hạn chế việc tiếp cận, công khai kết luận thanh tra như trong vụ Vinalines ảnh hưởng lớn đến việc chống tham nhũng”

Đó là ý kiến của bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm ủy ban Tư Pháp

 

Một ngày thảo luận về tình hình tội phạm, chống tham nhũng, rất nhiều đại biểu đặt vấn đề công khai là nguyên tắc số một để phòng tham nhũng, không lập “vùng cấm” nào, kể cả việc thanh kiểm tra. Quan điểm bà về vấn đề này?

 

Vụ Vinalines là một ví dụ về việc này. Thanh tra đã phát hiện sai phạm tại đơn vị nhưng không thông tin gì cho chủ thể quản lý (Bộ giao thông Vận tải) nên mới dẫn đến việc trong quá trình thanh tra thì đối tượng đang bị thanh tra (Dương Chí Dũng) được điều chuyển đi chỗ khác.

 

Một điểm nữa là việc công khai kết luận thanh tra. Rà soát các quy định về việc công khai kết luận thanh tra, chúng tôi thấy có rất nhiều hình thức công khai như đưa lên trang web của đơn vị, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trong cuộc họp… nhưng thực tế việc áp dụng không phải như vậy. Thông thường, người thanh tra chọn hình thức hẹp nhất. Đại biểu Quốc hội muốn tiếp cận kết luận thanh tra còn khó, nói gì đến công chúng.

 
Có một công thức nhiều chuyên gia quốc tế thừa nhận là: tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin - trách nhiệm giải trình. Như vậy, chúng ta có thể thấy, việc hạn chế công chúng tiếp cận kết luận thanh tra ảnh hưởng rất lớn đến việc chống tham nhũng.  

 

Như bà nói vụ Dương Chí Dũng, cơ quan thanh tra đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp này, có chế tài nào xem xét trách nhiệm của thanh tra?

 

Luật quy định rồi, Tổng Thanh tra là cán bộ thuộc Chính phủ. Cơ quan giám sát cũng phải có ý kiến.

 

Nhắc lại nguyên tắc công khai, không phải ai cũng tán thành việc không có “vùng cấm”. Đơn cử như việc kê khai, công khai bản kê tài sản, thu nhập của cán bộ, đề xuất thực hiện việc kê khai, công khai tài sản của cả vợ con, bố mẹ người phải kê khai tài sản nhận nhiều ý kiến phản đối cho là xâm phạm đời tư người khác. Vậy là nguyên tắc công khai khó có thể phù hợp trong trường hợp này?

 

Vấn đề là xác định phạm vi phải kê khai cái gì. Còn nếu không kiểm soát được thu nhập của không chỉ người có quyền hạn mà cả vợ con gia đình họ thì cũng không ổn.

 

Quy định kê khai tài sản đã có 10 năm, không lẽ mãi vẫn xác định chỉ là công cụ chống tham nhũng bước đầu. Vậy nên phải thắt chặt hơn. Người có chức vụ quyền hạn thì gia đình họ cũng phải bị kiểm soát chặt hơn bình thường.

 

Cũng tại phiên thảo luận, bà có đề cập đến việc có quá nhiều án treo khi xử tội phạm tham nhũng với quan điểm có nhiều điểm khác biệt so với những ý kiến phát biểu trước đó. Bà có thể nói cụ thể hơn vấn đề này?

 

Sơ hở trong quy định hiện nay là chưa lường hết những điểm đặc thù của tội phạm tham nhũng. Chủ thể tham nhũng rất đặc biệt, phải là người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được.

 

Trong khi điều kiện để áp dụng án treo là: bị phạt tù không quá 3 năm, có những tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt. Rõ ràng là người có chức vụ quyền hạn là nhân thân tốt. Ngoài ra chiếu theo quy định giảm nhẹ với người “có thành tích, phạm tội lần đầu, đã được thưởng huân huy chương”… thì các vị quan chức đều đáp ứng cả, chức càng cao càng nhiều tình tiết giảm nhẹ.

 

Mâu thuẫn là ở chỗ, chúng ta vừa muốn trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, đồng thời lại vừa lấy những đặc điểm của họ ra để cho giảm tội, hưởng án treo. Vì thế, không thể nói tòa sai khi xử nhiều án treo vì nếu cả 100 bị cáo tham nhũng có đủ điều kiện thì tòa cũng cho hưởng án treo đủ cả 100.

 

Vấn đề là chúng ta cần xem xét lại quy định về điều kiện để được hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Không thể coi những người phạm tội tham nhũng ngang với những người phạm tội về trật tự trị an khác.

 

Ngoài chế định án treo, nhiều quy định pháp luật hình sự khác hiện cũng được cho rằng chưa phù hợp, chưa phục vụ tốt công cuộc đấu tranh với tham nhũng. Được biết, bà đã từng lên tiếng về các tội danh trong nhóm tội về chức vụ quy định trong Bộ luật Hình sự?

 

Nói đến tham nhũng, chúng ta thường nghĩ và nói nhiều đến hành vi đưa và nhận hối lộ. Nhưng nếu nói tham nhũng là quốc nạn thì lại phải có giải pháp tương ứng để tăng hiệu quả phòng chống. Xử lý người nhận hối lộ, đồng thời cũng xử lý cả người đưa hối lộ tức là mình chặn cả hai đầu. Như thế thì khi một người tố giác hành vi nhận hối lộ đồng nghĩa người ta tự tố cáo chính mình, đưa mình vào vòng tố tụng.

 

Ý bà là nên bỏ điều luật quy định về tội đưa hối lộ?

 

Không phải là bỏ tội đưa hối lộ mà như tôi đã một vài lần đề xuất trước Quốc hội là nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ. Việc đó thể hiện trách nhiệm cao hơn của cán bộ công chức nhà nước, anh phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nghiêm khắc hơn. Anh có nhũng nhiễu, gây khó dễ, người ta mới phải đưa hối lộ, dù không ai muốn thế.

 

Xin cảm ơn bà!

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo