Hỗ trợ doanh nghiệp

Góc tối trong môi trường kinh doanh của Việt Nam

Tại Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, hàng loạt các chỉ số cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với khu vực ASEAN.
Thủ tục hải quan mất 21 ngày để hoàn thành, cao gấp đôi so với các quốc gia phát triển. Ảnh TL.
 
Ông Bùi Thái Quang, đại diện dự án USAID, cho biết, về nộp thuế hiện nay Việt Nam đứng thứ 149, theo báo cáo Doing Business 2014 của Ngân hàng Thế giới, với số lần phải nộp thuế hàng năm là 32, thời gian là 872 giờ (khoảng 100 ngày làm việc).
 
Cụ thể, các chủ doanh nghiệp phải dành 335 giờ để kê khai cho việc đóng các khoản an sinh xã hội, 320 giờ cho thuế giá trị gia tăng (VAT) do mẫu khai quá chi tiết, 217 giờ cho thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Ông Quang nói: “So với Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 208 giờ, thì số thời gian đóng thuế ở Việt Nam gấp 4 lần.” Ở Thái Lan, chủ doanh nghiệp chỉ mất 160 giờ cho thuế an sinh xã hội, 156 giờ cho thuế VAT do kê khai thuế điện tử một cách “thực sự”.
 
Trong khi đó, về thủ tục hải quan, Việt Nam xếp thứ 65/189 nước trong báo cáo Doing Business 2014 của Ngân hàng Thế giới.
 
Với thủ tục xuất khẩu, giấy tờ cần thiết để làm thủ tục là 4-5 loại, tương tự như các nước khác, và thời gian hoàn thành thủ tục là 21 ngày, cao gấp đôi so với 11 ngày ở các nước phát triển OECD.
 
Bên cạnh đó, chi phí ở Việt Nam là 610 đôla Mỹ/container so với 450 đô la Mỹ/containter ở Malaysia và 856 đô la Mỹ/container ở Đông Á  - Thái Bình Dương.
 
Ông Quang nói, xếp hạng này của Việt Nam không phải quá tồi như thuế, nhưng giảm được thời gian làm thủ tục hải quan thì sẽ góp phần tăng GDP do độ mở thương mại của Việt Nam rất lớn.
 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung bổ sung thêm, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan xuất khẩu ở Việt Nam hiện nay, theo báo cáo Doing Business nói trên, là 14 ngày, và nhập khẩu 13 ngày. Ông nhận định rằng Việt Nam cần phải giảm được 7 ngày so với hiện nay.
 
Ông Cung nói: “Kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay 270 tỷ đôla Mỹ, nếu giảm thủ tục thông quan từ 14 ngày xuống còn 7 ngày thì giảm chi phí rất lớn, lợi nhuận và giá trị gia tăng sẽ tăng lên. Vốn sử dụng cũng được quay vòng nhanh hơn, tạo ra sự năng động cho nền kinh tế. Đó là bước chuyển rất mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Chi phí càng thấp thì môi trường kinh doanh càng được coi là thuận lợi”.
 
Trước những đánh giá này, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Ban cải cách và hiện đại hoá thuộc Tổng Cục thuế, khẳng định, thứ hạng nộp thuế của Việt Nam đã có cải tiến, giảm từ 1.050 giờ trước đây xuống còn trên 900 giờ, và 872 giờ hiện nay.
 
Bà giải thích, từ năm 2008 đến nay Tổng cục Thuế đã có nhiều cải cách, xây dựng phần mềm kê khai thuế, hỗ trợ đơn giản hoá những chi tiết không cần thiết. Đến nay, trên 90% DN đã sử dụng phần mềm này. Năm 2009 đã triển khai kê khai thuế qua mạng, năm 2011 khai thuế điện tử, đến nay có trên 350.000 DN kê khai thuế điện tử. Bắt đầu từ 2013 đã triển khai nộp thuế điện tử nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian, thủ tục.
 
Ông Bùi Quang Thái, Tổng cục Hải quan, cho biết, ngành Hải quan đã triển khai hải quan điện tử, và phấn đấu vào top 3 của Đông Nam Á đến năm 2020.
 
Theo đánh giá của CIEM, Việt Nam có thể bỏ được 4/9 thủ tục khởi sự doanh nghiệp theo tính toán của Doing Business, giúp cải thiện được khoảng 50 bậc trong bảng xếp hạng. Về bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam có thể làm nhiều việc để giảm xếp hạng xuống 120 từ mức 175.
 
Ông Cung nhận xét, nếu cải thiện được các lĩnh vực trên, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiến bộ vượt bậc, song vẫn còn lâu mới đạt mức trung bình của Asean 6 (các nước ASEAN ngoại trừ Thái Lan, Malaysia, và Singapore là những nước có xếp hạng vượt trội so với các nước còn lại).
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo