Khám phá

Gửi con: May nhờ rủi chịu!

Nhiều trường hợp con bị đánh nhưng phụ huynh không biết kêu ai. Không ít trường hợp trẻ chết ở điểm giữ trẻ nhưng bảo mẫu vẫn không chịu trách nhiệm gì

Ngày 23/3, chị Ngô Thị Huệ (ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9-TP. Hồ Chí Minh) cho biết cháu Nguyễn Lưu Thuận Thiên (hai tuổi, con chị Huệ) vẫn còn hoảng loạn, ít nói, trên má cháu còn in hằn ba dấu tay của bảo mẫu. Theo chị Huệ, chiều 21/3, khi tới Trường Mầm non Thiên Thần (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) đón bé Thiên, chị phát hiện má và mông con có in  hình bàn tay, tím bầm. Đêm đó, bé Thiên không nói năng và sốt cao.

 

Con bị đánh, không biết kêu ai

 

Theo bản tường trình của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, chủ Trường Mầm non Thiên Thần, khoảng 13 giờ ngày 21/3, bé Thiên thức dậy thì khóc toáng lên. “Do quá mệt, chị Phượng (bảo mẫu Võ Thị Kim Phượng - PV) không kiềm chế, tát vào má cháu… để lại 3 dấu tay trên mặt”.



Có thể xử lý hình sự

Theo luật sư Phan Trung Hoài, bảo mẫu đánh đập trẻ dù không gây thương tích nặng vẫn có thể xử lý hình sự. Minh chứng rõ nhất là trường hợp bảo mẫu Trần Thị Phụng (thị xã Thuận An – Bình Dương) bị phát hiện vừa tắm vừa đánh, đạp một bé gái, đã bị khởi tố và phạt 24 tháng tù giam về tội “Hành hạ người khác”. Luật sư Hoài khẳng định trẻ em là đối tượng lệ thuộc bảo mẫu. Vì vậy, việc đánh đập lâu dài là hành vi mang tính tàn ác có thể xử theo tội “Hành hạ người khác” (theo khoản 2, điều 110 BLHS, mức hình phạt từ 1-3 năm tù).

Ngoài ra, trường hợp giữ trẻ nhưng tắc trách, để trẻ tự chơi trong môi trường nguy hiểm dẫn đến thiệt mạng vẫn có thể xem xét xử lý hình sự.

 

Chị Huệ cho biết mới gửi con ở cơ sở này một tuần, tổng số tiền phải đóng hơn một triệu đồng. Sau vụ việc, chị đòi lại tiền đã đóng và tiền bồi thường thiệt hại sức khỏe, tổng cộng hai triệu đồng nhưng nhà trường chỉ trả lại 600.000 đồng và không chấp nhận bồi thường. Điều khiến chị Huệ bức xúc chính là bảo mẫu không có lời nào xin lỗi gia đình chị.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, bà  Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng Phòng Lao động Thương  binh Xã hội huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, nói phụ huynh nên tố cáo sự việc đến bộ phận bảo vệ và chăm sóc trẻ em của phòng Lao động Thương binh Xã hội quận, huyện. Cơ quan này sẽ xác minh và kiến nghị UBND quận ra quyết định xử phạt theo Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một triệu đến năm triệu đồng.

 

Trẻ chết do… xui?!

 

Thời gian qua có nhiều vụ trẻ chết xảy ra ở các điểm giữ trẻ nhưng rất ít vụ được khởi tố điều tra. Điển hình vụ cháu Phan Bảo Nam (16 tháng tuổi) chết tại nhà giữ trẻ của bà Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1951, tạm trú thị xã Thuận An). Theo gia đình cháu Nam, cái chết của cháu có nhiều khuất tất, liên quan đến bảo mẫu nhưng đến nay vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

 

Sáng 8/9/2011, bà Ánh bế cháu Nam đến giao cho vợ chồng anh Phan Văn Lợi trong tình trạng cháu bị chấn thương vùng đầu, khó thở. Theo bà Ánh, cháu Nam trượt nước tiểu té bật ngửa đập đầu xuống nền trong lúc bà ra ngoài mua đồ ăn (?). Bà Ánh khẳng định mình vô can trong cái chết này.

 

Tương tự, cháu Trịnh Minh Hoàng (5 tuổi), con của chị Huỳnh Thị Anh Đào (ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), gửi tại nhà trẻ tư nhân Bảo Hạ nằm trên địa bàn. Theo lời bảo mẫu Đào Thị Trinh, chiều 6/2, bà mở cửa hông của nhà giữ trẻ nhưng không đóng lại, cháu Hoàng qua cửa hông đi chơi, rơi xuống hồ nước sâu và tử vong. Đến nay, vụ việc vẫn chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng.

 

Theo NLĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo