Hà Nội đốn hạ cả những cây tốt
Hàng trăm cây xanh còn khỏe mạnh, xanh tốt không bị cong, hỏng sâu bệnh trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã bị chặt hạ, kéo theo hàng ngàn mét vuông bóng mát không còn.
Theo khảo sát của Thanh Niên, đến ngày 19.3, việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến phố Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh... vẫn được tiếp tục, lượng cây bị đốn đã khá nhiều. Tại đường Lê Duẩn, Quang Trung, dấu tích còn lại chỉ là các thân cây trơ trọi phần gốc hoặc những hố được lấp đất tạm bợ. Thân, cành các cây này đều đã được di chuyển đi nơi khác.
Toàn một màu gỗ tươi của cây khỏe mạnh
Trưa hôm qua, trên những đoạn phố bị chặt trụi cây, cái nắng nóng oi bức của mặt trời lúc chính ngọ chiếu xuống khiến hơi nóng phả lên từ mặt đường. Người đi đường ai cũng cố đi nhanh hơn qua con đường không một bóng mát. Một người dân là ông Nguyễn Văn Minh (45 tuổi), nhà trên phố Lê Duẩn, cho biết khi hàng cây đã bị chặt hạ, ông vẫn không hiểu vì sao thành phố lại có quyết định trên.
“Hàng cây xanh trên phố này, phải mất bao nhiêu năm mới tỏa bóng như vậy. Giờ bỗng dưng như có một chiến dịch diệt cây, công nhân ào ào đốn hạ, đường phố trơ trụi như bị lột trần”, ông Minh nuối tiếc. Thẫn thờ nhìn hàng cây hoa sữa trước nhà nay không còn, chị Trần Thu Hà (30 tuổi), ở gần số 62 phố Nguyễn Chí Thanh, cho hay khi chuyển về đây sống cây cũng đã khá cao, thân thẳng, tán rộng mà không hiểu vì sao lại bị chặt. “Anh nhìn xem, cây nào cây nấy thẳng tăm tắp, không cản trở gì giao thông, bóng mát rợp đường mà chặt thì quá lãng phí. Đành rằng cây bị sâu bệnh phải chặt nhưng khi cưa cành, thân cây nào có thấy sâu đục, toàn một màu gỗ tươi của cây khỏe mạnh”, chị Hà nói.
Chị Trần Minh Nguyệt (39 tuổi), nhà ở phố Lò Đúc, bày tỏ muốn thông qua báo chí gửi ý kiến đến các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ có nên chặt hạ các cây cổ thụ trên tuyến phố này. “Hàng cây sao đen tại đây có tuổi đời lên đến vài chục năm. Cây to, đẹp, thẳng tắp, được đánh số. Nếu chặt đi, không hiểu đường phố còn đẹp đẽ chỗ nào”, chị Nguyệt chia sẻ.
Phải để xã hội kiểm chứng
Một chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị (xin giấu tên) cho biết: “Cây xanh không chỉ là bóng mát mà còn nằm trong hệ sinh thái đô thị nên không thể ào ào chặt hạ như vậy. Tôi thấy xót xa khi cơ quan chức năng ứng xử tàn nhẫn như mấy ngày qua. Đau xót nhất là làm ồ ạt quá, không cho thử nghiệm. Đây là cái tâm của con người với cây xanh Hà Nội. Những người tham gia khảo sát, báo cáo để đi đến quyết định chặt hạ hàng nghìn cây thiếu hiểu biết mới làm vậy. Theo tôi, không chỉ phải công khai minh bạch vị trí, tình trạng từng cây xanh muốn đốn hạ mà cần nêu rõ cả tên tuổi, thành phần tổ chuyên gia đi khảo sát, lập đề án chặt cây này để xã hội kiểm chứng trình độ chuyên môn về cây xanh của họ”.
Cũng theo ông này, hiện mật độ cây xanh/người ở Hà Nội không hơn 2 m2/người. Tính như vậy để biết, hiện nay Hà Nội cần cây xanh như thế nào, phải thay dần dần để không gây sốc vì mất nhiều bóng mát. Mỗi năm thành phố chi không ít tiền để duy tu, chăm sóc cây xanh, nếu thực sự phải loại 6.700 cây vì không đạt tiêu chuẩn thì công tác chăm sóc, quản lý cây quá kém. Nếu không phải như vậy thì công tác khảo sát cây xanh trước khi chặt hạ, thay thế làm không tốt.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, số cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm như đề án thay thế cây xác định mà là cây mỡ. “Cây mỡ có đặc điểm thân mềm, chậm phát triển, tán bé nhìn rất giống cây vàng tâm. Cứ giả sử đấy là cây vàng tâm thật thì loại cây này rất khó sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mực nước ngầm ở Hà Nội. Đến nay thì cây vàng tâm vốn là loại cây trên rừng, hầu như chưa được trồng tại vỉa hè đường phố Hà Nội, nên khả năng thuần hóa được rất khó”, chuyên gia này nói. Ông cũng cho hay để đưa cây rừng về trồng ở đô thị cần phải trải qua quá trình thuần hóa, trồng thí điểm trước khi đưa ra vỉa hè, không thể tùy tiện.
Phải tiếp thu ý kiến người dân
Báo cáo tại cuộc họp ở UBND TP.Hà Nội hôm qua, Giám đốc Sở Xây dựng - ông Lê Văn Dục cho biết công tác chặt hạ, thay thế cây xanh đã và đang được triển khai đồng loạt trên 9 tuyến phố, khoảng gần 500 cây xanh đã bị chặt hạ, đào tận gốc để chuẩn bị trồng cây mới vào. Có 8 đơn vị tham gia xã hội hóa là Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội, công viên Thống nhất, Công ty cơ điện công trình, Công ty đầu tư và phát triển nông nghiệp, Công ty dịch vụ nhà ở và khu đô thị, Công ty CP Bình Minh Thăng Long, Công ty CP cây cảnh Nam Điền, Công ty CP môi trường cây xanh đô thị VPT.Sau khi nghe ông Dục báo cáo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thẳng thắn phê bình các đơn vị liên quan đến việc chặt hạ, thay thế cây xanh trong những ngày qua, trong đó có Sở Xây dựng. Ông Thảo đánh giá, chủ trương thay thế cây xanh đô thị là đúng, làm đẹp đô thị, tránh được nguy cơ tai nạn do cây gãy đổ. Tuy nhiên, ồ ạt chặt hạ cây xanh để trồng thay thế cây khác trên nhiều tuyến phố mà không tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được đã gây ra cách hiểu đang có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị liên quan đến việc chặt hạ cây xanh phải tiếp thu ý kiến người dân, chuyên gia, nếu phù hợp phải sửa đổi theo.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đợt không khí lạnh mạnh nhất: Miền Bắc nhiều nơi dưới 1 độ C, Hà Nội lạnh nhất từ đầu mùa đông
Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành
Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đưa sản phẩm chủ lực vào chuỗi cung ứng
Công ty bảo hiểm lần thứ 9 xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Ba khâu đột phá phát triển du lịch trong 2025
Hiệu quả từ chiến lược phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo