Xã hội

Hậu Vinalines: Truy trách nhiệm Bộ GTVT

HĐXX cho rằng, sai phạm của Vinalines có trách nhiệm của Bộ GTVT.

Chiều 16/12, sau khi tuyên hai án tử với Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên TGĐ Vinalines).

 Trong bản tuyên án này những đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng được HĐXX kiến nghị điều tra. Nếu phát hiện sai phạm cần tiến hành xử lý.
 
Dương Chí Dũng trong ngày tuyên án.
 
Đầu tiên phải nhắc đến Bộ GTVT. HĐXX cho rằng, Bộ GTVT là cơ quan có chức năng quản lý ngành, phối hợp với cơ quan khác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines. Trong quá trình phê duyệt thực hiện Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M, Vinalines đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT.
 
Bộ GTVT có văn bản báo cáo Chính phủ đề nghị chấp nhận Vinalines thực hiện triển khai Dự án. Thông qua báo cáo của Bộ GTVT, Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc và giao cho Bộ GTVT cập nhật dự án quy hoạch phát triển ngành, trình Thủ tướng quyết định.
 
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bộ GTVT không cập nhật, không kiểm tra giám sát, để Vinalines triển khai dự án có nhiều sai phạm gây hậu quả thiệt hại rất lớn. HĐXX cho rằng, sai phạm của Vinalines có trách nhiệm của Bộ GTVT.
 
Do vậy, TAND TP Hà Nội kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra, tiếp tục điều tra làm rõ. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý theo pháp luật.
 
Liên quan đến vụ án Vinalines còn có Bộ Tài chính và đơn vị trực thuộc của Bộ này là Tổng cục Hải quan.
 
HĐXX của TAND TP Hà Nội cũng yêu cầu truy trách nhiệm của Bộ Tài chính trong công tác giám sát, quản lý sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines.
 
Với Tổng Cục Hải quan, TAND TP Hà Nội kiến nghị Tổng cục Hải quan chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của ngành nhằm ngăn ngừa thiếu sót, sai phạm trong công tác hải quan.
 
Truy trách nhiệm người đứng đầu, cả sếp đã về hưu
 
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Giai đoạn 2011-2013, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã được đẩy mạnh.
 
Trong 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.
 
Thủ tướng khẳng định trước các đối tác phát triển, sang năm 2014-2015 sẽ thực hiện nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đề cao tính minh bạch, công khai. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu trách nhiệm của người đứng đầu.  
 
Trong một diễn biến khác, liên quan tới việc kinh doanh thua lỗ của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (kể cả đối với cán bộ đã nghỉ hưu) và báo cáo Thủ tướng.
 
Trong 48 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần thì Lilama có tỷ lệ tới hơn 53 lần. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thủy điện, xi măng, bất động sản....
 
Về thực trạng của Lilama hiện nay, các con số lỗ lãi năm 2012 chưa được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, thực trạng tài chính của Lilama là khó khăn, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn chủ sở hữu, tồn tại những khoản nợ phải thu khó đòi tại một số công trình lớn, các khoản cho vay đối với các công ty con...
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo