CPTPP: Thị trường Australia rất tiềm năng nhưng vô cùng khó tính
DNVN - Là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu, Australia đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư tiềm năng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo với các doanh nghiệp Việt rằng Australia là thị trường còn khó tính hơn cả Mỹ và EU.
CPTPP: Cơ hội nào cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo? / CPTPP: Cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu vào Canada
Tại Hội thảo "Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra vào sáng 12/4 tại Hà Nội, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết: So với AANZFTA và các FTA khác của Việt Nam, CPTPP là Hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay cả về mức độ tự do hóa và phạm vi áp dụng. Trong đó, Australia có các cam kết mở cửa hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động cao hơn đáng kể cho Việt Nam so với AANZFTA và WTO.
Trong Hiệp định CPTPP, Australia cam kết một biểu thuế quan chung, áp dụng cho tất cả các thành viên CPTPP. Trong đó, cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3-4 năm và tập trung chủ yếu ở các sản phẩm đang có thuế suất là 5-10%.
Bên cạnh đó, Australia và Việt Nam cũng đang là thành viên của đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một Hiệp định lớn với tham vọng đặt ra các tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư trong khu vực. Do đó, trong thời gian tới với việc thực thi các FTA này, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu (hàng hóa, dịch vụ, lao động) và đầu tư sang thị trường Australia giàu tiềm năng.
Nhiều dư địa xuất khẩu sang Australia
Trong giai đoạn 2008-2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia có nhiều biến động. Tuy nhiên, kết quả sau 11 năm từ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia thậm chí không tăng mà còn giảm, chỉ đạt 4,5 tỷ USD năm 2018 so với 4,591 tỷ USD năm 2008. Nếu xét về tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn 2008-2019 là 2,3% thì vẫn cao hơn so với 2,03% tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình của Australia từ thế giới.
"Tuy nhiên, nếu xét Việt Nam là một trong những đối tác FTA của Australia với nhiều lợi thế về thuế quan hơn so với các đối tác không có FTA khác khi tiếp cận thị trường Australia thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam như thế này là tương đối khiêm tốn", bà Phương nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo.
Trong số các thị trường XK lớn nhất của VN năm 2017 thì Australia chỉ là đối tác XK lớn thứ 13 của Việt Nam. Trong khi đó, trong số các thị trường NK lớn nhất của Australia trong năm 2017 thì Việt Nam chỉ là đối tác NK lớn thứ 14 của Australia.
Theo bà Phương, điều đáng lưu tâm là trong khi tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới trong 10 năm qua là 15,1% thì tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Australia chỉ 2,3%.
Mặc dù cơ cấu NK của Australia và cơ cấu XK của Việt Nam không thực sự bổ sung nhưng các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia vẫn còn nhiều dư địa.
Australia "kỹ tính"
Vậy vì sao XK hàng hóa của Việt Nam sang Australia còn hạn chế? Theo đại diện của VCCI, thực tế cho thấy những sản phẩm của XK truyền thống của Việt Nam lại không phải là sản phẩm Australia có nhu cầu NK cao.
Ngoài ba nhóm sản phẩm gồm máy móc điện thoại, trang thiết bị cơ khí và dụng cụ quang học Australia có kim ngạch nhập khẩu lớn từ thế giới, nước này nhập khẩu ở mức trung bình các sản phẩm có thế mạnh còn lại của Việt Nam như giầy dép, quần áo và đồ gỗ nội thất. Australia nhập khẩu rất ít các sản phẩm thủy hải sản, hoa quả và chè, cà phê của Việt Nam.
Lý do thứ hai khiến hàng hóa Việt Nam XK sang Australia hạn chế đó là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia, Australia là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới.
Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Australia bị từ chối trên một đơn vị giá trị nhập khẩu nhiều nhất giai đoạn 2003 - 2010. Nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y, ghi nhãn là 3 nguyên nhân chính khiến hàng nông nghiệp XK của Việt Nam bị từ chối tại Australia.
Cũng đề cập đến thách thức đối với doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đó chính là khả năng tận dụng ưu đãi xuất xứ gộp và năng lực cạnh tranh của ngành logictics còn yếu.
Tuy nhiên, theo ông Dương, khó khăn lớn nhất của DN là khi DN không xây dựng được quan hệ đối tác lành mạnh và bền vững đối với các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
"Khó phát triển nếu chỉ nhờ "quan hệ". Khó phát triển nếu không chủ động nâng cao nhận thức và yêu cầu các Bộ, ngành nâng cao nhận thức về những lĩnh vực, nội dung quan trọng nhất trong CPTPP và thị trường Australia. Khó phát triển nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ (không trái cam kết) từ các bộ, ngành, và cơ quan địa phương. Khó phát triển nếu DN không chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách", ông Dương nêu.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để XK và tăng XK sang Australia?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng XK nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Australia cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật đã có và sẽ có trong tương lai.
Ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng XK và hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa, TS Đinh Thị Mỹ Loan còn gợi ý, nếu muốn trụ vững trên thị trường quốc gia châu Á này, các DN Việt cần phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp.
Trong khi đó, ông Dương cho rằng, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm thích ứng với các quy định và văn hóa của Australia.
Về phí các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động đề xuất những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ DN. Vận động chính sách và hành động cùng cơ quan chính phủ để tiếp thị hàng Việt sang Australia.
"Tất cả chỉ là "cơ hội", tất cả chỉ là "tiềm năng", tất cả chỉ là "có thể"... nếu thiếu năng lực thể chế và năng lực, khát vọng của DN nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và CPTPP nói riêng", ông Dương nhấn mạnh.
Để các cơ hội từ CPTPP không một lần nữa bị bỏ lỡ, các nhà xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề còn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cải thiện và tăng cường xuất khẩu và đầu tư sang thị trường Australia, tận dụng triệt để các lợi ích từ CPTPP và các FTA đã có và sẽ có giữa Việt Nam và Australia.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo