Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyên gia Phạm Bình An: Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp trong đại dịch

DNVN - Theo đánh giá của ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ứng phó với đại dịch COVID-19, bên cạnh việc hỗ trợ, Nhà nước cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để họ có thể linh hoạt lựa chọn và áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi 5.000 chữ ký cầu cứu Chính phủ hỗ trợ để vượt qua "bão" COVID-19  / Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp phát thanh, truyền hình trong giai đoạn giãn cách xã hội

"3 tại chỗ" chưa hiệu quả với tất cả DN
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành áp dụng giãn cách xã hội, có nơi đã trải qua 4 đợt áp dụng Chỉ thị 16 và 16+, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn. Những câu hỏi và vấn đề nổi cộm được cộng đồng DN đặt ra lúc này là khi nào thì hết giãn cách? Phương án nào cho DN tiếp tục kinh doanh trong tình trạng hiện nay? DN cần chuẩn bị gì sau khi sau khi biện pháp giãn cách được nới lỏng?...
Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương vào cuối tháng 8 và giữa tháng 9/2021. Tuy nhiên, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa về dịch tễ, cho rằng, không ai trả lời được câu hỏi "sau ngày 15/9 tới có hết giãn cách không?".

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, một số tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất như hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, tại một số địa phương việc áp dụng mô hình phòng, chống dịch tương tự chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Do đó, ngày 12/8/2021, Bộ Y tế có Công văn 6565/BYT-MT về phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh, trong đó yêu cầu các địa phương tự xây dựng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" phù hợp.
Theo đánh giá của ông Bình An, mô hình "3 tại chỗ" được áp dụng thành công tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, khi áp dụng cho các tỉnh, thành hay khu công nghiệp khác thì mức độ thành công khác nhau hoặc không mang lại hiệu quả.
Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh - 1 trong những "điểm nóng" về dịch COVID-19 của cả nước và các tỉnh phía Nam - đã triển khai 4 giải pháp cho DN sản xuất. Đó là "3 tại chỗ" hoặc "3 tại chỗ" theo kip sản xuất"; "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc mở rộng nhiều nơi lưu trú hơn; mô hình "4 xanh" (gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh), và giải pháp kết hợp các phương thức trên.
Ông Bình An cho rằng, phương án cơ bản là khái niệm chung, trong khi quy mô và tổ chức sản xuất của các DN rất khác nhau. Trong khi đó, chi phí thức hiện các mô hình giữa đại dịch là rất lớn, cộng với tâm lý lo lắng của người lao động khi nhà máy xuất hiện F0... Đây là những trở ngại khiến nhiều DN nói các mô hình này không bền vững.
Linh hoạt lựa chọn mô hình phù hợp
Liên quan đến việc xuất hiện F0 ở nhà máy, ông Bình An cho biết, các DN có thể học hỏi kinh nghiệm từ Bắc Giang. Bắc Giang đã chia thành các cụm phân xưởng, tổ độc lập để phòng khi có F0 sẽ xử lý theo hướng cục bộ. Khi xuất hiện F0 ở nhà máy, DN chủ động xử lý theo quy trình cục bộ để bảo đảm dịch không lây lan mà hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì.
"Khi không phụ thuộc vào 4 mô hình trên thì các DN cần chủ động thực hiện các giải pháp linh hoạt và trong khả năng của mình. Intel và Datalogic đã làm rất tốt vấn đề này bằng việc chuyển công nhân đến khách sạn lưu trú. Đây cũng là kinh nghiệm các DN có thể học hỏi nếu trong tiềm lực của mình", ông Bình An gợi ý.
Theo chia sẻ của chuyên gia Bình An, một số hiệp hội doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh sáng tạo, tìm tòi các mô hình mới thay thế "3 tại chỗ". Đó là mô hình 4 xanh: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh. Theo đó, nhân lực đã được sàng lọc, ở và làm việc trong khu vực xanh, đã tiêm vaccine, có đăng ký nhận dạng. Với cung đường xanh, DN áp dụng quy tắc 1 cung đường - 2 điểm đến, lưu thông nội tỉnh bằng xe cá nhân, lưu thông liên tỉnh bằng xe đưa đón của công ty, có đăng ký nhận dạng. Với vùng sản xuất xanh, người lao động đã được sàng lọc hoặc tiêm vaccine, tuân thủ quy định y tế và 5K, thiết lập vùng sản xuất biệt lập. Với nơi ở xanh, bảo đảm người lao động đã được sàng lọc/tiêm vaccine, nơi ở tập trung do DN quản lý.
Một mô hình khác cũng được ông Bình An nêu ra, đó là mô hình y tế tại chỗ được Công ty Techcom áp dụng tốt và quan trọng là DN thay đổi tư duy từ phòng chống sang phòng ngừa và sống chung với COVID-19.
Với mô hình này, DN đã chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm F0; thực hiện 5K; tiêm đủ 2 liều vaccine. Với khu cách ly điều trị, F0 mức độ nhẹ được điều trị ở tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng. DN cho rằng rủi ro bị nhiễm COVID-19 là không thể tránh khỏi, do đó họ xác định phải sống chung với COVID.
Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
Ông Bình An đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 để chia sẻ gánh nặng chi phí phát sinh cho DN. Quan trọng là Nhà nước cần trao quyền chủ động cho DN triển khai xét nghiệm COVID-19 và phối hợp với y tế địa phương trong công tác sàng lọc, cách ly, điều trị F0 tại DN. Đồng thời bỏ quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý với người đại diện pháp luật khi dịch lây lan trong DN.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế phối hợp cụ thể giữa y tế địa phương và DN để chuyển các ca F0 bệnh nặng/bệnh nền lên các tuyến trên (tầng 2,3).
Với người lao động, cần thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động mắc COVID. Theo đó, Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị F0 tại cơ sở và tại DN, còn BHXH trợ cấp ngừng việc khi cách ly, điều trị COVID-19.
"DN hoàn toàn có thể áp dụng mô hình y tế tại chỗ, không cần phải chờ hết dịch mới sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, cần sự tham gia đồng bộ của 3 bên. Chính quyền có chính sách, trao quyền cho DN, hỗ trợ chuyên môn. DN xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành. NLĐ tuân thủ và tham gia", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, chính quyền cần có chiến lược ứng phó dịch bệnh rõ ràng, nhất quán với sự chuẩn bị tốt cho kịch bản xấu, các giải pháp hướng tới kết quả. Việc chuẩn bị khả năng sống chung với COVID-19, với những điều kiện cụ thể như độ phủ vaccine, hệ thống y tế, tổ chức sản xuất cũng là điều mà cơ quan quản lý cần lưu tâm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm