Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?

DNVN - Trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm – ngoại trừ 2022, trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 với kết quả mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD.

MerPerle Dalat Hotel: Nơi thăng hoa tình yêu và hạnh phúc / Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tỷ suất hoàn vốn đầu tư

Năm 2024, nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu khan hiếm, cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu - ngành thủy sản Việt Nam với nhiều nỗ lực đã đạt được kết quả xuất khẩu khích lệ.
Theo thống kê, năm 2024 xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với khoảng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12,7% so với năm 2023. Với kết quả này, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024. Đây là lần thứ 2, sau năm 2022, VASEP tổ chức hoạt động này nhằm nhìn lại kết quả và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch VASEP cho biết, năm 2024 có nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản, song nhờ tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng.
Mặc dù kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 là ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.
Trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm – ngoại trừ 2022, trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 với kết quả mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD/2030. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số (10-15%/năm).
Nhìn từ góc độ tăng trưởng của ngành rau quả, đặc biệt là trái sầu riêng, có thể thấy xuất khẩu thủy sản cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới quá nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần tạo động lực cho nông-ngư dân nuôi trồng và khai thác.
Theo ông Nam, đây là vấn đề cốt lõi quan trọng bởi nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu dùng là vấn đề sống còn và là tiền đề cho tăng trưởng. Nông-ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập.
"Làm sao để ngư dân, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật bao gồm cả IUU, có động lực để tăng cường khai thác biển, tái đầu tư để vươn khơi xa; ngư dân được khai thác & tiêu thụ nguyên liệu bình thường?", ông Nam trăn trở.
Để giải quyết bài toán này, theo ông Nam, giải pháp có thể nghĩ tới là chợ đấu giá để bán được giá tốt nhất cho ngư dân và tập trung được dữ liệu truy xuất nguồn gốc. Rà soát, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác. Soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài – đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư. Xem xét khơi thông xuất khẩu được con ruốc sang thị trường EU vì khai thác ruốc chỉ dùng thuyền thúng và gần bờ, tạo thuận lợi cho đời sống ngư dân. Đồng thời có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển – không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Ông Nam cũng trăn trở việc làm sao để nông dân có động lực mới đầu tư và tăng cường các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản cả trên đất liền và trên biển. Theo đó, có thể rà soát các quy định pháp luật để người nuôi trồng thuỷ sản thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường. Cấp giấy phép mặt nước cho người dân như dạng “sổ đỏ” để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.
Ngoài ra, tập trung cho vấn đề “con giống”, các địa phương cần ưu tiên sử dụng quỹ đất/, mặt nước cho nuôi trồng thuỷ, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.
Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm-thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thuỷ sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hoà phát thải để ngành phát triển ổn định và bền vững.
Với các doanh nghiệp, ông Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương cần tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho thủy sản Việt Nam.
VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Trong đó, cần đưa vào quy phạm pháp luật nội dung xác nhận sản phẩm thủy sản là sản phẩm có “hoạt động chế biến” để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như văn bản của lãnh đạo Bộ Tài chính đã xác nhận tại văn bản 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021.
Bộ Tài chính xem xét thống nhất thực thi việc ưu đãi TNDN theo văn bản 2550 đối với sản phẩm thủy sản và việc áp thuế giá trị gia tăng theo đúng thông tư 219/2013/TT-BTC. Giải quyết vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị giá tăng đối với các dự án đầu tư mở rộng, dự án mới có phát sinh doanh thu. Tiếp tục chỉ đạo ưu đãi lãi vay USD dưới 4% cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Với Bộ NN&PTNT, VASEP kiến nghị tiếp tục việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính như đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số để áp dụng triệt để trong các quy trình, thủ tục hành chính với DN, tránh việc áp dụng song song “số” và “giấy”. Không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ/hồ sơ thuộc thủ tục hành chính khác, với cơ quan Nhà nước khác ngoại phạm vi quy định. Xem xét bãi bỏ việc kiểm tra ADN dê, cừu & ngựa trong sản phẩm bột cá. Tiếp tục xem xét theo nguyên tắc quản lý rủi ro để có hướng dẫn cho việc kiểm tra chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu thủy sản...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm