Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch LEFASO: Nhiều doanh nghiệp muốn tự xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19

DNVN - Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (LEFASO), nhiều doanh nghiệp mong muốn được tự xây dựng phương án phòng chống dịch và chịu trách nhiệm với an toàn đơn vị mình dưới sự chỉ đạo của địa phương.

Tự chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn

Theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, từ cuối năm 2020, do các nước xuất khẩu da giày tại Nam Á và Đông Nam Á sụt giảm sản lượng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời do lợi ích cắt giảm thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dịch chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, nhiều doanh nghiệp da giày lớn tại Việt Nam đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý III và quý IV/2021.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp. Chưa kể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đồng loạt các tỉnh thành, đặc biệt ở phía Nam đã áp dụng lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, điều này đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Để duy trì sản xuất, tránh đứt gãy nguồn cung cũng như đảm bảo cung ứng hàng hoá cho đối tác theo đúng thời gian, nhiều doanh nghiệp đã nổ lực đáp ứng đủ yêu cầu “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn áp dụng những phương án này, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể trụ nổi do chịu quá nhiều chi phí phát sinh.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, không thể rập khuôn cứng nhắc một mô hình sản xuất.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, không thể rập khuôn cứng nhắc một mô hình sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội LEFASO cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “3 tại chỗ”.

Bởi theo bà Xuân, bên cạnh mặt đạt được thì những biện pháp mang tính chất tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” đã lộ ra những bất cập như vừa tốn kém thời gian, chi phí. Ngoài ra, phương án này còn gây áp lực cho doanh nghiệp bị bật ra chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ cần doanh nghiệp chậm cung cấp đơn hàng cho đôi tác quốc tế một thời gian ngắn thì ngay lập tức bạn hàng sẽ chuyển sang tìm đối tác ở những nước khác thay thể ngay.

“Nói như vậy không có nghĩa là phản bác “3 tại chỗ”, vì phương án này đã phát huy hiệu quả khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, thực tế đã có những doanh nghiệp làm rất tốt. Do đó, với những doanh nghiệp nào làm tốt thì chúng ta vẫn duy trì và khuyến khích” bà Xuân nói và cho biết thêm ngay lúc này cần thiết đưa ra một kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như để doanh nghiệp chịu đựng được cho đến khi vaccin được tiêm tương đối tại Việt Nam vào cuối năm nay.

“Thực tế, hiện tại doanh nghiệp chúng tôi rất sốt ruột với tình hình dịch bệnh chung. Làm sao phải tái khởi động sản xuất càng sớm càng tốt bằng rất nhiều mô hình ứng dụng, không thể chỉ là “3 tại chỗ”, không thể chỉ bằng “1 cung đường 2 điểm đến”, nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại. Ngay lúc này triển khai mô hình “2 tại chỗ kèm test nhanh” như nhiều doanh nghiệp đã đề xuất sẽ linh hoạt hơn”, bà Xuân cho hay.

Từ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện phương án “3 tại chỗ”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, đặc thù của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng rất khác nhau, do đó doanh nghiệp mong muốn được tự xây dựng phương án, giám sát và tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm với an toàn của đơn vị mình dưới sự chỉ đạo chung của chính quyền địa phương.

“Bởi doanh nghiệp nào cũng muốn phải đảm bảo an toàn của mình đầu tiên nên điều này là cần thiết ngay lúc này và Chính phủ nên tin tưởng vào trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19. Chỉ cần địa phương đưa ra một tiêu chí để doanh thực hiện và doanh nghiệp sẽ tự thực hiện theo cách phù hợp nhất với mình nhằm đảm bảo an toàn, để có thể chủ động xây dựng phương án sản xuất”, bà Xuân nhấn mạnh và cho biết thêm, để làm được điều này doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của ngành y tế mỗi địa phương.

“Để tiếp tục “sống chung với lũ”, điều mà doanh nghiệp cần ngay lúc này là sự đào tạo của ngành y tế đại phương cho mỗi doanh nghiệp, để làm sao trong mỗi cơ quan, xí nghiệp nhà máy chúng tôi có thể có những “CDC thu nhỏ” để từ đó có thể ứng phó với tất cả tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Khi làm được điều này, các “CDC thu nhỏ” của doanh nghiệp sẽ phối hợp với CDC của địa phương và như vậy nguồn lực sẽ được chia sẻ và giảm tải rất nhiều, tính chủ động của doanh nghiệpcũng sẽ được nâng lên” bà Xuân cho hay.

Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí mua vaccine đểgiảmgánh nặng cho Chính phủ

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội LEFASO Phan Thị Thanh Xuân, hiện nay việc phân phối vaccine cho các doanh nghiệp vẫn chưa có sự đồng đều. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã gửi danh sách đăng ký tiêm vaccine từ lâu những cũng chưa biết lúc nào mới có thể được tiêm vaccine cho người lao động.

Bà Xuân cho rằng, hiện nay các địa phương chỉ ưu tiên tiêm vaccine cho những doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” rất ổn định, còn những doanh nghiệp đang đóng cửa thì lại không được ưu tiên.

“Đây là điều rất vô lý. Với doanh nghiệp, tất cả đều mong muốn tiêm vaccine để hoạt động sản xuất trở lại. Vậy nên việc phân bổ vaccine cần phải ưu tiên những doanh nghiệp nào khó khăn nhất, doanh nghiệp đang đóng cửa thì tiêm cho họ để họ nhanh chóng mở cửa, hoạt động sản xuất. Những doanh nghiệp nào đang ổn định sản xuất, chưa có ca nhiễm COVID-19 thì tiêm vaccine có thể chậm lại. Việc ưu ái như vậy sẽ khiến những doanh nghiệp đang đóng cửa không biết bao giờ mới hoạt động trở lại”, bà Xuân thẳng thắng cho biết.

Nhiều doanh nghiệp ngành da giày muốn sớm có nguồn vaccine tiêm phòng để không bị đứt gãy sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp ngành da giày muốn sớm có nguồn vaccine tiêm phòng để không bị đứt gãy sản xuất.

Không những thế,theo bà Xuân, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp cực bị bị động trong vấn đề tiêm vaccine cho người lao động. “Khi Hiệp hội LEFASO đi khảo sát các doanh nghiệp thì tất cả đều cho biết, họ đang trong trạng thái bị động, chờ đợi nguồn tiêm vaccine. Quá trình phân bổ vaccine hiện nay doanh nghiệp rất muốn biết để có sự chủ động nắm bắt. Chẳng hạn như nguồn vaccine về thời điểm này thì các doanh nghiệp khi nào mới được phân bổ”, bà Xuân cho hay.

Chưa hết, bà Xuân cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp có tâm lý cứ đăng ký danh sách tiêm vaccine với bất kỳ chỗ nào có thể, từ địa phương đến hiệp hội. Ở đâu được tiêm trước thì họ sẽ tiêm nên có thể gây ra tình trạng danh sách ảo, lãng phí vaccine. Do đó, bà Xuân cho rằng cần có một “nhạc trưởng” cầm trịch việc phân bổ này, lên kế hoạch rõ ràng và thông báo với các địa phương, đơn vị để tất cả cùng chủ động và sau đó quyết định chờ nguồn từ nhà nước hay tự tìm kiếm nguồn vaccine cho mình.

Để sẵn sàng “chia lửa” với Chính phủ mua vaccine trong thời điểm này, bà Xuân cho hay, hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay đều có đối tác từ nhiều nước trên thế giới. Thông qua các đối tác này, các doanh nghiệp đã tìm được nguồn cung ứng vaccine để tiến hành đàm phán nhập khẩu, chẳng hạn như ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Tuy nhiên, do doanh nghiệp không có chức năng liên quan nên đã kiến nghị nhà nước tham gia hỗ trợ để nhập về Việt Nam.

“Chúng tôi tìm được nguồn vaccine từ cuối tháng 5/2021 và đã gửi thư nhờ cơ quan ngoại giao ở UAE tiến hành xác minh những thông tin mà chúng tôi nhận được từ đối tác UAE cũng như các đơn vị tham tán trong nước. Nếu thuận lợi hoàn tất các thủ tục nhập khẩu, Hiệp hội sẽ đứng ra huy động đóng góp kinh phí từ các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp của Bộ Y tế để đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu và kiểm định. Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mua vaccine với giá cao bởi nếu không thì các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, khi đó cái giá phải trả sẽ còn đắt hơn nhiều”, bà Xuân kiến nghị.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo