Hỗ trợ doanh nghiệp

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp

DNVN - Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu như hiện nay. Do đó, việc đăng ký bảo hộ SHTT là việc cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp tại Đồng Nai giữ vững được uy tín trên thị trường mà còn đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

TikTok khiếu nại lệnh cấm của Mỹ lên Tòa án liên bang Washington / Doanh nghiệp vận chuyển tăng tốc số hóa

Tài sản lớn của doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, SHTT được xem là một tài sản lớn, hữu ích của doanh nghiệp. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, qua nhiều công đoạn, từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính, xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh…

Trong khi các nước phát triển đặc biệt coi trọng SHTT, coi đó là tấm giấy thông hành để khẳng định năng lực doanh nghiệp thì ở Việt Nam lâu nay vẫn ngược lại. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà ngay tại sân nhà, chúng ta cũng phải tính toán các giải pháp để giúp doanh nghiệp trong nước giữ thị phần trước các doanh nghiệp ngoại.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại thì vấn đề SHTT đều được các thị trường này coi trọng. Trong đó, Hiệp định EVFTA vừa đưa vào thực thi có mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực SHTT với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó, đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi.

Phát triển thương hiệu cho sản phẩm là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Phát triển thương hiệu cho sản phẩm là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệp không am hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội đến từ hiệp định này. Ví dụ: Trong EVFTA có quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được “sử dụng thật sự”. Song, khái niệm “sử dụng thật sự” chưa tồn tại ở nước ta khiến cho công tác thực thi bảo hộ SHTT trong tương lai sẽ gặp trở ngại.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, thực tế cho thấy, thực thi quyền SHTT luôn có khá nhiều khúc mắc trong thực tiễn. Trong khi đó, EU là khu vực có môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật cũng như bảo vệ người tiêu dùng hàng đầu thế giới. Cũng chính vì vậy, chủ đề về SHTT được EU rất chú trọng đàm phán trong EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO & hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, quy định về SHTT cho thấy rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt nhưng việc thực thi bảo hộ SHTT còn khó khăn hơn. Nếu doanh nghiệp không am hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội đến từ hiệp định này.

Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Tại Đồng Nai, những năm gần đây, việc thực thi quyền SHTT đang ngày càng được quan tâm hơn từ các cơ quan nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi năm, có hàng trăm lượt doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ về các nội dung bảo hộ tài sản trí tuệ, cung cấp thông tin về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và thông tin về sáng chế…

Ông Trần Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trần Nguyên Phát (TP.Biên Hòa) cho biết, bất kể doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ, sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ gì thì chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn cũng đang tạo ra hoặc sử dụng rất nhiều sản phẩm trí tuệ. Vì vậy, doanh nghiệp luôn phải xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền SHTT nhằm tránh bị chiếm dụng quyền SHTT.

“Công ty chúng tôi phát triển nhãn hiệu nước uống đóng chai Solar, từng bước mở rộng thị trường, đa dạng các sản phẩm... Trong đó, tên sản phẩm Solar bắt nguồn từ một cuốn sách, thông qua đó công ty mong muốn hướng tới những thông điệp lạc quan, lan tỏa yêu thương. Với chúng tôi, tài sản trí tuệ được coi như tài sản quan trọng, quý giá, đôi khi có giá trị hơn cả tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Nó là nhân tố quyết định sự thành công và tồn tại của doanh nghiệp”, ông Long cho biết.

Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, Lothamilk là một trong những thương hiệu của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Lothamilk còn được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Công ty phấn đấu nâng tầm thương hiệu, hướng tới thương hiệu mang tính quốc gia, được nhiều người biết đến. Trong đó, công ty đang tập trung xây dựng bộ nhận diện gắn liền thương hiệu Lothamilk bởi cái tên sẽ mang tính bao hàm, hội nhập và có độ “phủ sóng” rộng hơn.

Nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu mà trước tiên là đăng ký sở hữu đối với nhãn hiệu của mình.

Để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm bằng nhiều cách, như: in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại hay sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ.

Tuy nhiên, mặc dù doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề SHTT, các quyền lợi liên quan đến sản phẩm của mình trong kinh doanh, song nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu đang ở quy mô nhỏ và vừa, với tâm lý làm ăn nhỏ, sợ rủi ro trong kinh doanh, chưa thấy lợi ích lâu dài, khi nào thương hiệu bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm mới tính đến việc làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Từ thực trạng này, cơ quan chức năng Đồng Nai đã triển khai xây dựng các đề án phát triển thương hiệu hàng hóa nhằm tạo động lực giúp doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo đó, trong năm 2019, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục nộp đơn bảo hộ tài sản trí tuệ, cung cấp thông tin về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và thông tin về sáng chế cho khoảng 500 đơn vị. Hơn 2/3 trong số các đơn vị được tư vấn chủ yếu là về lĩnh vực nhãn hiệu hàng hóa. Trong năm, số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục SHTT là 456 và đang xem xét cấp giấy chứng nhận cho 2 sáng chế/GPHI, 13 kiểu dáng công nghiệp; 441 nhãn hiệu sản phẩm.

Theo Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai - Huỳnh Minh Hậu, bên cạnh những nỗ lực của mình, sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương nhằm đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm xuất xứ Đồng Nai, triển khai thêm các chương trình hỗ trợ, tập huấn về SHTT, xây dựng thương hiệu hàng hóa...

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm