Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Chính phủ cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong khó khăn, để tháo gỡ
DNVN - Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) soạn thư kiến nghị trực tuyến và kêu gọi 5.000 chữ ký "cầu cứu" Chính phủ để vượt qua đại dịch, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đây là quyền chính đáng của DN, Chính phủ cần lắng nghe, từ đó xây dựng chính sách phù hợp.
Chuyên gia Phạm Bình An: Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp trong đại dịch / Hà Tĩnh: "Gỡ khó" đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điển tử
Ngày 29/8 vừa qua, ông Lâm Minh Chánh, CEO BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, đã thay mặt 11 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) soạn thảo thư kiến nghị trực tuyến và kêu gọi 5.000 chữ ký để gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đề xuất 3 nhóm giải pháp "cứu" doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Nhóm lãnh đạo 11 DN trên cho biết, họ chọn cách tập hợp chữ ký và gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ với mong muốn muốn kêu gọi DN chung tay vượt qua đại dịch và mong Chính phủ thấu hiểu cũng như gần với DN hơn.
Trước muôn vàn khó khăn, để các DN có thêm sức mạnh, duy trì qua đại dịch, nhóm các DN này đề nghị Chính phủ hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế - chi phí, và tài chính - ngân hàng.
Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, câu chuyện các DN tập hợp 5.000 chữ ký và kiến nghị Chính phủ gỡ khó là quyền chính đáng của DN.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.
"Các DN với tư cách là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế, khi gặp khó khăn, đặc biệt là những khó khăn do yếu tố khách quan mang lại như dịch bệnh COVID-19 hiện nay, DN hoàn toàn có quyền đòi hỏi, kiến nghị Chính phủ các chính sách hỗ trợ DN để tháo bớt gỡ khó khăn cho họ", ông Tô Hoài Nam nhìn nhận.
Nhìn kỹ vào các đề xuất của 11 doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, đề xuất của các DN rất xác đáng.
Về chính sách liên quan đến giảm thuế VAT, ông Tô Hoài Nam cho rằng, kiến nghị này phản ánh nhu cầu cấp thiết của DN.
"Mặc dù, theo quan sát của tôi, có nhiều quan điểm khác nhau về thuế VAT. Có quan điểm cho rằng, thuế VAT là thuế gián thu. Vì thế, giảm thuế VAT chưa chắc đã làm lợi cho DN. Nhưng cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm này trong bối cảnh hiện nay", ông Nam nêu.
Theo lý giải của ông Nam, thuế VAT liên quan đến dòng tiền, trong khi DN hiện nay đang rất khó khăn về dòng tiền. Do đó, giảm thuế VAT thực chất sẽ giảm bớt gánh nặng về dòng tiền cho DN. DN có thêm dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, đề nghị giảm thuế VAT là hoàn toàn chính đáng. Tất nhiên, khi tình hình đã ổn định với việc Nhà nước kiểm soát được dịch bệnh thì việc DN đóng thuế VAT là đương nhiên.
Liên quan đến đề xuất của các DN về chính sách bảo hiểm, ông Nam cho biết, trong lúc DN đang gặp khó khăn như hiện nay, DN muốn tồn tại và trụ vững trước sóng gió của đại dịch. Trong khi đó, chính sách về đóng bảo hiểm đòi hỏi DN phải tập trung một phần tài chính, không dồn hết được nguồn lực để tập trung cho mục tiêu duy trì hoạt động.
"Tôi nghiêng sang giải pháp cho DN nợ nhiều để khi tình hình ổn định DN sẽ trả sau. Việc Nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm còn tác động đến người lao động, qua đó giúp tình hình sản xuất ổn định", ông Nam nói.
Với đề xuất liên quan đến tạm hoãn, giãn nợ, theo ông Nam, đây là chủ trương chung của Nhà nước và đề nghị của các DN đều dựa trên thực tế khó khăn của họ. Do đó, kiến nghị của DN cũng rất chính đáng. Việc các tổ chức tín dụng khoanh các khoản nợ, xử lý lãi chậm trả... là hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.
"Những kiến nghị của 11 DN cũng là tiếng nói của nhiều DN Việt Nam hiện nay. Điều này nói lên thực tế rất khó khăn của DN để thực hiện sứ mệnh làm ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Khi DN khó khăn, và họ có thể đồng loạt lên tiếng đề nghị hỗ trợ. Tôi nghĩ, trước những khó khăn, thử thách chồng chất của DN, Nhà nước cần lắng nghe, chia sẻ từ đó xây dựng chính sách phù hợp để gỡ khó cho cộng đồng DN", Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, cho dù 11 doanh nghiệp này không lấy đủ 5.000 chữ ký thì những đề xuất, tiếng nói của họ cũng rất đáng lưu tâm, bởi nó dựa trên những phân tích rất thực tế và có tính khoa học. Các cơ quan làm chính sách cần nghiên cứu, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN.
Nhóm 11 lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham gia soạn thảo thư kiến nghị gồm: - Ông Phạm Đức Thắng , COB, Công ty CP Vận tải AA Transport - Ông Lâm Minh Chánh, CEO BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp - Bà Đặng Ngọc, CEO Công ty CP Việt Tinh Anh - Ông Dominic Vũ, Chuyên gia đầu tư bất động sản Dom Capital - Ông Lê Xuân Trường, CEO Đại Việt Group - Võ Đức Thọ, CEO Công ty TNHH HANET Việt Nam - Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land - Bà Phạm Bích Hạnh, CEO Công ty CP ASFA Việt Nam - Ông Dương Vinh, nhà sáng lập Công ty Viva International - Ông Nguyễn Quang Lộc, Công ty CP P.P.P Group - Ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May Group Các DN đề nghị Chính phủ hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế - chi phí, và tài chính - ngân hàng. Đối với chính sách liên quan đến người lao động, các DN mong muốn được hỗ trợ bằng cách cho tạm ngừng đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Không áp dụng phạt đối với các DN không có khả năng đóng Bảo hiểm xã hội trong thời kỳ đại dịch. DN kiến nghị miễn giảm 100% phí Bảo hiểm xã hội của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho đến hiện tại. Với chính sách thuế và chi phí, các DN mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế của 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Song song đó, các DN đề nghị được chấp nhận tất cả loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ". Riêng về vấn đề liên quan chính sách tài chính-ngân hàng, các DN kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch. Các DN cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các DN còn lại. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo