Tiếp sức cho ‘dòng chảy chính’ của nền kinh tế Việt Nam
Apple và Samsung thống trị thị trường smartphone cao cấp / Pakistan Airlines yêu cầu các tiếp viên giảm cân
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện thời gian qua. Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cả hai Nghị quyết đều nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá.
Trong bài viết đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cho “năm tăng tốc, bứt phá” 2019, trong đó trọng tâm đầu tiên là tập trung phát triển kinh tế, với yêu cầu tập trung rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tạo điều kiện nâng cấp hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Đánh giá về triển vọng của nền kinh tế năm mới 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong nhiều Nghị quyết của Đảng, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được nhắc tới vai trò, vị thế với đóng góp hơn 40% GDP cho nền kinh tế. Số liệu thống kê được công bố gần đây cho thấy, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân còn cao hơn so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Về dài hạn, triển vọng của khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có tốc độ tăng trưởng nhanh, thậm chí nhanh nhất trong nền kinh tế. Do đó, không có lý do gì để không hướng tới và đặt ra mục tiêu đóng góp 50% đến 60% GDP cho khu vực này”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng rất đáng suy ngẫm trước thực tế là trong hơn 40% GDP mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế thì chỉ có 8% là từ các doanh nghiệp chính danh, còn lại từ 5,2 triệu hộ kinh doanh.
“Lâu nay, chúng ta kêu gọi rất nhiều việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy không chỉ các hộ kinh doanh mà chính quyền các cấp cơ sở dường như không mặn mà và quan tâm vấn đề này. Có rất nhiều câu hỏi mà tôi tin là người đứng đầu Chính phủ luôn trăn trở để làm sao hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp "mạnh khỏe", "tài giỏi" và liêm chính”, ông Lộc phát biểu.
Chủ tịch VCCI cho rằng, để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán; cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra... Nếu thực hiện đồng bộ việc này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đây chính là những việc cần phải làm ngay trong năm 2019.
“Dòng chảy chính của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là sự dịch chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Minh bạch hóa và quốc tế hóa khu vực các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chính là cách để tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp đông về số lượng, chuẩn về chất lượng, đủ năng lực cạnh tranh và vươn ra toàn cầu. Do đó, theo tôi nên đặt đúng tầm quan trọng của kinh tế hộ và tạo điều kiện nâng cấp các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch và chất lượng tăng trưởng ở Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cơ hội của Việt Nam
Từ góc nhìn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Michael Kelly -Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ, các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, trong đó nhà đầu tư Mỹ đang thực hiện việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của AmCham đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba doanh nghiệp đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Ngoài ra, một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy phần lớn trong số họ đang cân nhắc dịch chuyển sản xuất kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng? Với vai trò là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của thị trường Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và có chính sách pháp luật ổn định để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, và cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Michael Kelly cho biết trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cần có một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để cùng phát triển, và mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch.
Theo ông Michael Kelly, các vấn đề nêu trên sẽ góp phần tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng môi trường đầu tư, kinh doanh có thể được cải thiện bằng các động thái tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam – rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh- khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đáng lo ngại?
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2018 là năm số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với con số kỷ lục, đạt 131.275 doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 141,% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập lớn thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, thời gian qua, các bộ ngành đã tích cực triển khai hàng loạt Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục.
Tuy nhiên, đi kèm với số doanh nghiệp đăng ký mới tăng kỷ lục thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn thành giải thể cũng tăng cao. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5%; trong khi đó số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước.
Song, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao này không đáng lo ngại, bởi vừa qua các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các doanh nghiệp không còn hoạt động trong thời gian dài.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2018 cho thấy, dự kiến quý I/2019, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định so với quý IV/2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo