Hỗ trợ doanh nghiệp

Vai trò địa phương, động lực quan trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

DNVN - Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, bộ máy hoạt động về phát triển công nghiệp tại các địa phương hiện nay chưa được coi trọng, số lượng rất mỏng. Do đó, việc theo dõi sát sao hay có những đề xuất chính sách cho lãnh đạo cấp trên cũng rất hạn chế.

Cơ hội để các startup Việt - Hàn kết nối đầu tư quốc tế / Đổi mới liên tục – chìa khóa giúp doanh nghiệp đối phó với các thách thức

Vai trò của địa phương

Thời gian qua, các địa phương đã cho thấy vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Một số doanh nghiệp đã thành công áp dụng mô hình cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, dần tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… đã chủ động ban hành những chính sách riêng cho địa phương mình. Các địa phương đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đơn cử, trước năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã có chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất. Trong ngày 19/7 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 42 về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo chia sẻ của ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương TP Hải Phòng chia sẻ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và cũng có một số đề án đã xin được hỗ trợ. Với việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với các chương trình khác của thành phố đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp hình thành và triển khai một số ý tưởng để đẩy mạnh cải tiến quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.

Thách thức từ nguồn lực

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nhìn chung, đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.


Các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), bộ máy hoạt động về phát triển công nghiệp tại các địa phương hiện nay chưa được coi trọng, số lượng rất mỏng. Do đó, việc theo dõi sát sao hay có những đề xuất chính sách cho lãnh đạo cấp trên cũng rất hạn chế.

"Tại các cuộc họp giao ban với các địa phương, chúng tôi cũng có kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương có ý kiến với UBND các địa phương để tăng cường lực lượng làm công tác phát triển công nghiệp tại các Sở Công Thương", ông Tuấn Anh nói.

Còn theo ông Lê Khắc Bảo, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn bởi khả năng tài chính, trình độ công nghệ, công tác quản trị của các doanh nghiệp còn hạn chế. Thực tế các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên gần như là các doanh nghiệp Việt không thể tham gia được.

Cần sự sát sao của địa phương

Trong bối cảnh hiện nay, theo đại diện cơ quan quản lý cũng như địa phương và doanh nghiệp, cần có thêm các giải pháp nâng cao vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ từ Trung ương, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

"Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao. Theo tôi, để làm tốt công tác này, trong chính sách thu hút đầu tư, địa phương cũng nên có sự ràng buộc các nhà đầu tư. Để được hưởng chính sách ưu đãi, nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Chẳng hạn, đưa một số lượng nhất định doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là điều các địa phương rất nên lưu ý", ông Phạm Tuấn Anh đề xuất.

Ông Lê Khắc Bảo cho rằng, để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố, Sở Công Thương Hải Phòng cũng tham mưu thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các công việc hành chính nâng lên cấp độ ba, cấp độ bốn. Đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao, quản trị doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng đang đề xuất một số nội dung đối với các doanh nghiệp lớn đến thành phố phải có một số ràng buộc. Ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Qua đó bảo đảm mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất.

Trong khi đó, ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN bày tỏ hy vọng, trong tương lai có nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về kết nối với các khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế. Có thêm những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến công nghệ sản xuất.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm